Rate this post

Các lễ hội mùa Xuân ở nước ta là những nét đẹp văn hóa, tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc. Các lễ hội thường được tổ chức sau dịp Tết Nguyên Đán thu hút đông đảo mọi người đến chiêm bái, tham quan.

Các lễ hội tại 3 miền có nguồn gốc và những đặc trưng riêng của từng vùng đã góp phần tô điểm thêm sự phong phú, đa dạng cho văn hóa nước nhà. Để cho chuyến du xuân đầu năm của mình thêm ý nghĩa và may mắn, hãy tham khảo những lễ hội đặc sắc dưới đây.

Tổng hợp các lễ hội mùa xuân không thể bỏ lỡ đầu năm
Tổng hợp các lễ hội mùa xuân không thể bỏ lỡ đầu năm

Contents

Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng tại miền Bắc

Du xuân miền Bắc thường nổi tiếng với những lễ hội liên quan đến đình chùa, tâm linh. Người ta ghé đến các lễ hội để cầu bình an, may mắn đồng thời thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, khám phá những điều đặc biệt trong văn hóa người dân miền Bắc. Sau đây là các lễ hội được chúng tôi sắp xếp theo thứ tự thời gian diễn ra để bạn có thể thu xếp tham gia:

Lễ hội Bà Chúa Kho – Bắc Ninh

Hội Bà Chúa Kho được bắt đầu từ ngày mùng 4 đến hết tháng Giêng (tại đền Bà Chúa Kho – Cổ Mễ, Vũ Ninh, Bắc Ninh). Mọi người đến lễ hội để dâng hương, cầu mong năm mới tài lộc, làm ăn thịnh vượng, vay tiền làm ăn.

Đặc biệt là phong tục vay lộc, trả lễ tại đây thường được những người kinh doanh, buôn bán thực hiện. Người ta sẽ vay lộc của Bà Chúa Kho để làm ăn, buôn bán vào ngày đầu năm và trả lại vào những ngày cuối năm.

Lễ hội mùa xuân: Lễ hội gò Đống Đa – Hà Nội

Lễ hội gò Đống Đa (lễ hội chiến thắng) diễn ra vào ngày mùng 5 Tết hàng năm tại quận Đống Đa, Hà Nội. Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm của vua Quang Trung.

Hội gò Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ vua Quang Trung
Hội gò Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ vua Quang Trung

Lễ hội gò Đống Đa mang những nghi lễ truyền thống, cờ hoa rực rỡ hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng thôi thúc chiến đấu, sống dậy những thời kỳ lịch sử vẻ vang trước đây của dân tộc. Khi đến lễ hội, bạn cũng sẽ được chứng kiến các trò chơi vui khỏe với tinh thần thượng võ hoặc lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ các vị anh hùng đã hy sinh vì dân tộc.

Lễ hội chùa Hương – Mỹ Đức, Hà Nội

Chùa Hương vô cùng nổi tiếng đối với người dân Hà Nội cũng như được nhiều người miền Bắc biết đến. Lễ hội chùa Hương được xem là lễ hội lớn nhất, kéo dài nhất tại nước ta. Lễ hội mùa xuân này được tổ chức tại thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), từ ngày mùng 6 đến tháng 3 Âm lịch hàng năm.

Chùa Hương là quần thể văn hóa tâm linh với sự kết hợp của thiên nhiên và nhân tạo (hang động, đồi núi, suối, chùa, tháp…). Khi đến lễ hội chùa Hương, bạn không chỉ được thỏa mãn tín ngưỡng tâm linh mà còn được thưởng thức những phong cảnh ấn tượng, không khí trong lành, bình yên nhất. Hãy ghé thăm lễ hội để cầu bình an, sức khỏe và một năm mới đầy may mắn, tài lộc.

Lễ hội Cổ Loa – Hà Nội

Hội Cổ Loa thu hút đông đảo mọi người đến tham gia
Hội Cổ Loa thu hút đông đảo mọi người đến tham gia

Lễ hội mùa xuân ở Cổ Loa là một trong những lễ hội lâu đời trong văn hóa người Việt. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch tại Đông Anh – Hà Nội. Hội Cổ Loa được tổ chức để tưởng nhớ công đức của vua An Dương Vương (vị vua có công thành lập nhà nước đầu tiên của nước ta).

Khi đến với lễ hội Cổ Loa, mọi người được tham gia nghi thức rước Văn, tế lễ, rước thần của “bát xã” để tưởng nhớ các vị thánh linh đồng thời cầu bình an, hạnh phúc.

Lễ hội chùa Bái Đính – Ninh Bình

Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức từ ngày mùng 6 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch. Lễ hội mùa xuân miền Bắc này được người dân và các du khách rất mong chờ. Ngoài ra, lễ hội còn được coi là mở đầu cho các lễ hội hành hương trở về mảnh đất cố đô.

Lễ hội gồm nhiều hoạt động giải trí, các trò chơi dân gian, vãn cảnh với những địa điểm đẹp hoặc thưởng thức các loại hình nghệ thuật ấn tượng khác (ca trù, chèo, xẩm,…). Ngoài ra, mọi người thường kết hợp lễ hội chùa Bái Đính cùng việc tham quan các thắng cảnh khác của Ninh Bình để có được chuyến du xuân đầu năm trọn vẹn nhất.

Khai hội chùa Bái Đính vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm
Khai hội chùa Bái Đính vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm

Lễ hội mùa xuân chợ Viềng – Nam Định

Phiên chợ Viềng Nam Định nổi tiếng không chỉ ở miền Bắc mà còn được người dân trên khắp mọi miền quan tâm. Người ta đi chợ Viềng đầu năm để “mua may bán rủi”, cầu may với ý nghĩa tâm linh sâu sắc thay vì mang tính thương mại như các phiên chợ khác.

Lễ hội chợ Viềng diễn ra vào đêm ngày mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 Tết hàng năm. Các mặt hàng trong phiên chợ này khá đa dạng, từ những vật dụng thôn quê (thúng, đơm đó, giỏ tre, cuốc xẻng,…) cho tới các loại cây giống, đồ ăn,… mà mỗi người ghé thăm có thể chọn mua để lấy may cho năm mới.

Ngoài ra, chợ Viềng còn nằm gần quần thể di tích Phủ Dầy nên có thể thể kết hợp thêm giúp trải nghiệm đầu năm tại Nam Định thêm trọn vẹn hơn.

Đông đảo người đến chợ Viềng để “mua may, bán rủi”
Đông đảo người đến chợ Viềng để “mua may, bán rủi”

Lễ hội mùa xuân Yên Tử – Quảng Ninh

Chùa Yên Tử là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của miền Bắc với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và cũng là một địa điểm tâm linh (trung tâm Phật Giáo Việt Nam) được nhiều người dân lựa chọn ghé thăm dịp đầu năm.

Lễ hội chùa Yên Tử được diễn ra từ ngày mùng 10 tháng Giêng đến tận tháng 3 Âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội, mọi người có thể tới Yên Tử để tham quan chùa Đồng để cầu cho năm mới bình an, may mắn hoặc du xuân vãn cảnh. Mọi người đến với Yên Tử sẽ cảm thấy sự choáng ngợp với sự kỳ vĩ của thiên nhiên cũng như các giá trị tinh thần, văn hóa lâu đời khác.

Hội Lim mùa xuân – Bắc Ninh

Lễ hội mùa xuân tiếp theo ở miền Bắc đó là hội Lim, được tổ chức thường niên vào ngày 12, 13 tháng Giêng. Hội Lim được tổ chức để tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của xứ Bắc với những làn điệu quan họ ngọt ngào.

Tham gia những trò chơi dân gian thú vị tại hội Lim
Tham gia những trò chơi dân gian thú vị tại hội Lim

Khi đến với Bắc Ninh những ngày này, du khách thập phương được thưởng thức những điệu hò giao duyên tình tứ từ các liền anh, liền chị và được hòa chung không khí nhộn nhịp của các trò chơi cổ truyền như: đấu võ, đu quay, thi nấu cơm…

Hội khai ấn Đền Trần – Nam Định

Hội đền Trần diễn ra trong 3 ngày là 13, 14 và 15 tháng Giêng để tri ân công đức của các vị vua nhà Trần. Lễ hội khai ấn Đền Trần được bắt đầu vào giờ Tý tại 3 nhà gồm nhà trưng bày đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ và một điểm trong khu vực vườn cây của đền Trần. Trong những năm gần đây, lễ hội mùa xuân này thu hút rất nhiều người ghé thăm để cầu mong năm mới phát tài, thành đạt.

Lễ hội Đền Hùng – Phú Thọ

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được xem là lễ hội của cả dân tộc được tổ chức mỗi năm để tưởng nhớ công ơn của các vị Vua Hùng có công dựng nước, giữ nước. Hội Đền Hùng được tổ chức từ ngày mùng 5 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng – Việt Trì, Phú Thọ. Nghi lễ gồm 2 phần chính là rước kiệu và dâng hương.

Ngoài ra phần hội tại Đền Hùng còn có nhiều hoạt động văn hóa là các trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn cũng như thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Nghi lễ rước kiệu trong hội Đền Hùng được tổ chức trang nghiêm
Nghi lễ rước kiệu trong hội Đền Hùng được tổ chức trang nghiêm

Các lễ hội mùa xuân tại miền Trung Việt Nam

Miền Trung đầy nắng gió cũng có những lễ hội vô cùng đặc sắc vào mùa xuân. Bạn có thể ghé qua những lễ hội dưới đây:

Lễ hội Đền Vua Mai (Nghệ An)

Hội Đền Vua Mai diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng để tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan). Vua sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An.

Lễ hội mùa xuân: Hội vật làng Sình (Huế)

Hội vật làng Sình mang đậm những nét văn hóa đặc sắc nơi đất cố đô, được diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, kích thích rèn luyện sức khỏe, sự tự tin, lòng dũng cảm đối với các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Lễ hội cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ)

Hội cầu Ngư (lễ hội Cá Ông) là một trong nét văn hóa đặc trưng của các làng chài ven biển Nam Trung Bộ nước ta (được tổ chức ở nhiều nơi như Huế, Quảng Bình,…). Tham gia lễ hội, mọi người sẽ được tìm hiểu phong tục thờ cúng Cá Ông trong dân gian.

Nhiều hoạt động diễn ra trong lễ cầu Ngư
Nhiều hoạt động diễn ra trong lễ cầu Ngư

Lễ hội cầu Ngư thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm để cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Các lễ hội đầu năm ở miền Nam

Khu vực miền Nam cũng có những lễ hội mùa xuân không thể bỏ lỡ. Nếu có dịp du xuân, bạn có thể thử đến các lễ hội dưới đây:

Lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh

Núi Bà Đen vô cùng nổi tiếng, đặc biệt là một trong các lễ hội lớn nhất tại miền Nam nước ta. Lễ hội núi Bà Đen diễn ra từ mùng 4 Tết và kéo dài đến hết tháng Giêng.

Tuy nhiên, ngay từ chiều ngày 30 Tết đã có nhiều người từ khắp mọi nơi đổ về đây để dâng hương cầu mong bình an, may mắn cho bản thân, gia đình. Cùng với việc dâng hương cầu phúc, bạn có thể chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng hùng vĩ, tận hưởng không khí thanh bình, linh thiêng của nơi này.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà) –  Bình Dương

Lễ hội mùa xuân chùa Bà được bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng cho đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội mang những nét độc đáo của văn hóa Đông Nam Bộ. Người dân sẽ thường bày bàn cúng vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị “rước” Bà vào sáng ngày 14.

Rất đông người đến tham gia rước Bà trong ngày 14 tháng Giêng
Rất đông người đến tham gia rước Bà trong ngày 14 tháng Giêng

Lễ rước Bà với các nghi lễ truyền thống diễn ra vào ngày 14, “Bà” sẽ được rước quanh phố cùng với đoàn múa lân sư tử, rồng, cờ xí,… Và sau đó, người dân từ khắp nơi sẽ đổ về chùa Bà để dâng hương, cầu cho năm mới phúc lộc, bình an.

Hội Đền Đức Thánh Trần – TP HCM

Một trong những lễ hội mùa xuân lớn tại miền Nam đó chính là hội Đền Đức Thánh Trần. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng hàng năm để tri ân công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây không chỉ là dịp dâng hương, tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Trần mà còn là dịp để giáo dục cho lớp trẻ về truyền thống, lịch sử văn hóa của dân tộc.

Những kinh nghiệm khi tham gia các lễ hội đầu năm

Du xuân đầu năm trở thành một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Cứ mỗi dịp xuân mới, người dân thường đến các đền, chùa để cầu mong nhiều điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Tuy nhiên, khi đến những địa điểm du xuân, các lễ hội mùa xuân thì bạn cần ghi nhớ một số kinh nghiệm đơn giản nhưng hữu ích như sau:

Trang phục khi dâng hương cần lịch sự, chỉnh tề
Trang phục khi dâng hương cần lịch sự, chỉnh tề
  • Lên kế hoạch khi đi du xuân: Tùy vào quỹ thời gian, điều kiện của mình mà bạn có thể lựa chọn chuyến đi lễ hội đầu năm trong ngày hoặc kết hợp du xuân trong nhiều ngày để chủ động hơn trong việc đặt phòng lưu trú, thuê xe đi lại,… để thuận tiện, tiết kiệm các chi phí nhất.
  • Chuẩn bị các trang phục phù hợp, lịch sự khi vào dâng hương tại các đền, chùa hoặc các di tích. Ngoài ra, nếu có ý định tham gia các trò chơi dân gian trong lễ hội, hãy có trang phục thoải mái vận động nhé!
  • Quan sát, bảo quản đồ đạc cá nhân, những vật có giá trị bởi lễ hội thường rất đông người chen chúc nhau, dễ xảy ra tình trạng trộm cắp, mất mát tài sản.

Lời kết

Vừa rồi là những tổng hợp một số lễ hội mùa xuân nổi tiếng từ Bắc vào Nam mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn sẽ lựa chọn được ý tưởng cho chuyến du xuân đầu năm mới thật trọn vẹn và ý nghĩa nhất!

Website đang chạy thử nghiệm