Rate this post

Tết đến Xuân về không chỉ là dịp sum vầy của các gia đình mà còn là thời điểm các lễ hội năm mới được tổ chức náo nhiệt trên khắp các tỉnh thành. Góp vui trong đó chắc chắn không thể không nhắc đến các trò chơi dân gian – Ký ức tuổi thơ của bao người. Trong bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng ôn lại những trò chơi dân gian ngày Tết cực thú vị và đầy ắp tiếng cười nhé!

Trò chơi dân gian có gì vui?
Trò chơi dân gian có gì vui?

Contents

Trò chơi dân gian ngày Tết – Nét văn hóa độc đáo của người Việt

Khi internet và các trò chơi điện tử chưa phát triển, trò chơi dân gian vẫn luôn là những “bộ môn giải trí” tuyệt vời của trẻ thơ. Đây không chỉ đơn thuần là những trò chơi tiêu khiển mà còn giúp gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của toàn dân tộc. Trò chơi dân gian thường được tổ chức vào các dịp Tết, lễ hội địa phương. Nó đem đến không khí vui nhộn, thoải mái và gắn kết mọi người.

Ngày nay các trò chơi dân gian đang được duy trì và tổ chức tại nhiều địa phương, điểm du lịch văn hóa. Những trò chơi tưởng chừng vô cùng đơn giản đó lại có sức hấp dẫn kỳ lạ với mọi người. Điều này vừa giúp các bạn nhỏ thoát khỏi màn hình điện thoại, vừa giúp bé có thể vui chơi, hòa đồng, phát triển AQ, IQ, EQ hay giáo dục nhân cách cho bé,…

Điểm đặc biệt nhất của các trò chơi dân gian chính là tính cộng đồng, tập thể. Điều này giúp thể hiện tinh thần đoàn kết, góp phần tạo và làm nổi bật hơn bản sắc đặc trưng, riêng biệt của mỗi địa phương, cộng đồng.

Không khí náo nhiệt, hấp dẫn từ những trò chơi dân gian
Không khí náo nhiệt, hấp dẫn từ những trò chơi dân gian

Những trò chơi dân gian ngày Tết hay, độc đáo

Để hiểu hơn về các trò chơi dân gian cũng như nét thú vị, độc đáo của từng loại, chúng ta cùng điểm nhanh qua một vài “đại diện” nổi bật dưới đây nhé!

Ô ăn quan

Ô ăn quan hay ô làng, ô quan là trò chơi dân gian quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết các bạn trẻ 8x và 9x. Không đơn giản là một trò chơi, nó còn giúp rèn luyện khả năng tính toán nhanh nhạy, kiên trì và ghi nhớ. Luật chơi khá đơn giản:

  • Trò chơi này có thể được chơi bởi 2, 3 hoặc 4 người chơi, phổ biến nhất là 2 người. Mỗi người có 5 ô vuông. Hai đầu là 2 ô quan.
  • Người chơi lần lượt rải quân vào các ô. Mỗi ô một quân và có thể rải theo chiều nào cũng được.
Bạn đã thử chơi ô ăn quan chưa?
Bạn đã thử chơi ô ăn quan chưa?
  • Sau khi rải hết quân cuối cùng, bốc quân ở ô liền tiếp theo chiều đã chọn và tiếp tục rải. Trường hợp ô liền tiếp trống thì bạn sẽ được ăn tất cả các quân ở ô tiếp theo đó.
  • Cuộc chơi kết thúc khi các quân trên bàn bị ăn hết. Thông thường ô quan sẽ được coi là “ô nhà giàu”. Theo cách quy đổi của từng địa phương, 1 quan có thể đổi bằng 5 hoặc 10 dân.
  • Chung cuộc ai ăn được nhiều quân nhất là người thắng cuộc.

Đập niêu đất

Đập niêu đất cũng khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Đập niêu đất thường được tổ chức trong các lễ hội lớn hoặc các dịp lễ tết đặc biệt như Tết cổ truyền chẳng hạn. Cách chơi đập niêu đất vô cùng đơn giản:

  • Đầu tiên mỗi người chơi sẽ bị bịt mắt, đứng tại vạch xuất phát và cầm một cây gậy dài. Phía trước là những chiếc niêu đất được treo bằng dây.
  • Họ sẽ tự di chuyển, ước lượng khoảng cách về phía niêu đất. Hoặc có thể nghe chỉ dẫn từ những người xem bên ngoài.
  • Sau khi đã di chuyển đến vị trí phù hợp thì vung gậy đập niêu.
  • Nếu niêu vỡ, người chơi dành chiến thắng. Trong mỗi chiếc niêu đều sẽ có mảnh giấy ghi phần quà nhận được. Nếu đập hụt thì hãy thử lại ở lần sau nhé!
Đập niêu đất thử vận may nhé!
Đập niêu đất thử vận may nhé!

Kéo co

Kéo co vừa là một trò chơi dân gian, vừa là một môn thể thao khá phổ biến hiện nay. Ngoài đem đến sự vui vẻ, kéo co còn thể hiện tinh thần đồng đội, sức mạnh tập thể và giúp rèn luyện sức bền cực tốt. Luật chơi và cách giành thắng lợi:

  • Kéo co được tổ chức với 2 đội chơi. Mỗi đội nắm một đầu dây, có đánh dấu ở giữa.
  • Tại vạch xuất phát, sau khi có tiếng còi bắt đầu của trọng tài, tất cả các thành viên trong đội sẽ dùng sức để kéo dây.
  • Đội thắng là đội giành được mốc đánh dấu về qua vạch của đội mình.

Đấu vật

Đấu vật là trò chơi dân gian cổ truyền được tổ chức phổ biến hơn ở khu vực miền Bắc. Đặc biệt là các lễ hội tháng Giêng như một nét đẹp độc đáo của lễ hội Tết. Luật chơi và cách giành chiến thắng:

  • Người tham gia chơi đấu vật cởi trần và đóng khố. Họ dùng tay và sức để đấu với nhau.
  • Sàn đấu thường là một vòng tròn trong các bãi đất trống hoặc sân đình, sân làng nơi tổ chức lễ hội.
Đấu vật - Ai sẽ là người thắng cuộc?
Đấu vật – Ai sẽ là người thắng cuộc?
  • Người dành chiến thắng là người vật ngã được đối phương hoặc đẩy được họ ra khỏi vòng tròn thi đấu.
  • Một trận đấu vật thường có thêm 2 thành viên với nhiệm vụ phất cờ và đánh trống. Trong đó người phất cờ đóng vai trò là trọng tài còn người đánh trống sẽ giúp cổ vũ, nâng cao tinh thần “chiến đấu” của người chơi.

Bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê là trò chơi khá đơn giản, thường được tổ chức trong các dịp lễ hội Xuân. Không chỉ người lớn mà các bạn nhỏ cũng có thể tham gia. Luật chơi và cách giành chiến thắng như sau:

  • Người chơi chọn ra một hoặc 2 người bịt mắt tùy vào số người chơi.
  • Những người còn lại nắm tay nhau và chạy xoay tròn. Người được chọn bịt mắt sẽ đứng ở giữa vòng tròn.
  • Khi người bịt mắt hô to “Đứng lại” thì mọi người không được di chuyển nữa.
  • Người bịt mắt bắt đầu đi tìm “con mồi” của mình và đoán xem đó là ai.
Bịt mắt bắt dê - Trò chơi huyền thoại tuổi thơ
Bịt mắt bắt dê – Trò chơi huyền thoại tuổi thơ
  • Những người xung quanh có thể tạo tiếng động để phân tán sự chú ý, làm nhiễu thông tin.
  • Nếu bắt được và đoán đúng, người bị bắt sẽ thay thế chỗ người bịt mắt. Ngược lại nếu đoán sai, người chơi phải tiếp tục bịt mắt và đoán vòng tiếp theo.

Chơi đánh đu

Đánh đu là trò chơi “cảm giác mạnh” của ông bà ta ngày xưa. Trò chơi này đòi hỏi sự nhanh nhạy và khéo léo cũng như kết hợp ăn ý giữa hai người chơi. Đánh đu có đu đơn và đu đôi, thường được tổ chức vào mùa xuân. Luật chơi cơ bản như sau:

  • Người chơi lên cây đu. Cây đu thường được làm bằng tre chắc chắn.
  • Người chơi dùng lực của tay và chân để “đu” mình lên vị trí cao nhất.

Đu đơn nam thể hiện sự khỏe mạnh và bền bỉ của các chàng trai còn đu đơn nữ sẽ giúp “khoe” nét dịu dàng, duyên dáng của các cô gái.

Đi cà kheo

Các cuộc thi cà kheo luôn đem lại những tràng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn và thú vị. Muốn thắng cuộc, người chơi cần thử thách sự khéo léo của bản thân. Cách chơi như sau:

Đi cà kheo cực hài hước
Đi cà kheo cực hài hước
  • Mỗi người tham gia chơi sẽ được phát cho 2 cây cà kheo. Đây là những cây tre dài được gắn thêm “bàn đạp” đặc biệt.
  • Khi tham gia thi, người chơi dẫm 2 chân lên bàn đạp. Sau đó kết hợp sự khéo léo của tay và chân để di chuyển với cà kheo. Nghe thì có vẻ đơn giản song những cây cà kheo thường khá dài. Vì vậy để giữ thăng bằng và di chuyển sẽ tạo ra những khoảnh khắc “dở khóc dở cười” cho người xem.
  • Người đi xa và đẹp nhất là người chiến thắng.

Đua thuyền

Đua thuyền thường được tổ chức trên các con sông, hồ lớn của địa phương. Ngoài ra “đua thuyền cạn” cũng là một trò chơi thú vị tại những địa điểm không có địa hình phù hợp. Đây là trò chơi tập thể cực vui, cách chơi như sau:

  • Đua thuyền nước: Mỗi đội phụ trách một thuyền. Sau tiếng còi hiệu lệnh sẽ bắt đầu đua thuyền. Người chơi dùng sức chèo thuyền về đích. Đội nào về đích trước sẽ giành chiến thắng.
  • Đua thuyền cạn: Người chơi cũng được chia theo đội. Ở tư thế chuẩn bị, người chơi phía sau, đặt chân lên bụng người phía trước tạo thành một thể thống nhất. Sau đó các đội chơi dùng tay để di chuyển cả đội về đích. Đội nào về đích trước là thắng cuộc.
Giải đua thuyền tại các lễ hội
Giải đua thuyền tại các lễ hội

Tung còn hay ném còn

Ném, tung còn là trò chơi dân gian gắn liền với các đồng bào dân tộc. Đặc biệt là Mường và Thái. Họ quan niệm rằng quả còn hay chính là mô phỏng Rồng Còn – Luông Còn sẽ mang đến mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tốt tươi, bội thu cho người dân. Quả còn được làm bằng vải, có hình vuông với nhiều màu sắc như đỏ, trắng và đen. Bên trong của nó được nhồi thóc, hạt bông và một ít vỏ trấu.

Cách chơi ném, tung còn như sau:

  • Sân tung còn là bãi đất trống, ở giữa có một cây tre cao. Đỉnh cây tre là một vòng tròn được gọi là vòng còn. Vòng còn có 2 mặt, một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt còn lại dán giấy vàng đại diện cho mặt trăng. Một số nơi có thể dán giấy trắng cho cả 2 mặt.
  • Người chơi đứng ở vị trí vạch xuất phát và ném quả còn qua vòng còn.
  • Nếu lọt qua vòng chính là người chiến thắng.

Cướp cờ

Cướp cờ là trò chơi tuổi thơ quen thuộc của những ai thuộc thế hệ 8x và 9x. Cho đến thời điểm hiện tại, nó vẫn được mọi người yêu thích bởi sự thú vị và hấp dẫn. Cướp cờ được tổ chức theo tổ đội, qua đó đề cao tinh thần đồng đội để mọi người gắn kết với nhau hơn. Cách chơi cướp cờ như thế nào?

Cướp cờ - Ai nhanh người đó thắng
Cướp cờ – Ai nhanh người đó thắng
  • Người chơi được chia thành các đội chơi. Mỗi người chơi trong đội sẽ được đánh số theo thứ tự.
  • Người vận hành trò chơi được gọi là quản trò. Họ có thể gọi một hoặc nhiều số của các đội chơi.
  • Người mang số được gọi nhanh chân chạy đến giật cờ và chạy về vạch xuất phát.
  • Sau khi cờ được lấy đi, những người chơi được gọi còn lại đuổi theo người cầm cờ. Người chạm vào đối phương đầu tiên sẽ ghi điểm. Lưu ý: Chỉ được đuổi theo khi người đó còn trên sân, nếu qua vạch đích bạn sẽ không được đuổi theo nữa.
  • Sau khi kết thúc trò chơi, đội nào nhận được nhiều điểm nhất sẽ giành được chiến thắng.

Chơi đáo

Chơi đáo rất phổ biến ở các vùng quê. Trò chơi đòi hỏi sự tập chung và khéo léo của người chơi. Cách chơi đáo như sau:

  • Trên mặt đất tại khu vực chơi sẽ được đào một lỗ nhỏ. Bên ngoài sẽ có một vạch kẻ, xa hay gần lỗ tùy vào quyết định của người chơi. Dĩ nhiên lỗ càng xa, độ khó sẽ càng lớn.
  • Tại vạch kẻ, người chơi được phát mỗi người một đồng xu.
Bạn đã bao giờ chơi đáo chưa?
Bạn đã bao giờ chơi đáo chưa?
  • Người chơi tiến hành ném đồng xu vào lỗ.
  • Nếu trúng lỗ sẽ được tính điểm.
  • Kết quả chung cuộc ai ném trúng nhiều nhất sẽ giành được chiến thắng chung cuộc.

Nhảy bao bố

Nhảy bao bố thường được tổ chức trong các dịp lễ tết đặc biệt, hội thao hoặc các lễ hội truyền thống. Trò chơi này đem đến sự vui vẻ và đoàn kết cho người tham gia. Cách chơi như sau:

  • Người chơi được chia làm các đội thi đấu với nhau.
  • Tại vạch xuất phát, mỗi người được phát một chiếc bao bố. Người chơi bước chân vào bao, hai tay cầm bao và chuẩn bị sẵn sàng.
  • Khi có tín hiệu bắt đầu từ trọng tài, tiến hành nhảy hai chân cùng lúc về phía trước. Hoàn thành quãng đường từ vạch bắt đầu đến vạch kết thúc và quay lại vạch bắt đầu.
  • Sau khi hoàn thành, đưa gậy tiếp sức hoặc đập tay với thành viên tiếp theo. Tiếp tục như vậy cho đến thành viên cuối cùng.
Nhảy bao bố với những khoảnh khắc cực hài
Nhảy bao bố với những khoảnh khắc cực hài

Cờ người

Cờ tướng là trò chơi trí tuệ được người Việt vô cùng yêu thích. Vậy cờ người thì sao? Bạn đã bao giờ tham gia chơi cờ người chưa? Đúng như tên gọi, thay vì sử dụng các quân cờ, trò chơi này “dùng” người thật. Nghe đã cảm thấy thật hấp dẫn phải không nào! Cách chơi như sau:

  • Một bàn cờ “khổng lồ” được chuẩn bị, mọi người đứng đúng vị trí quân cờ của mình. Hai người chơi cờ mặc áo dài, đội khăn xếp ở phía sau.
  • Người chơi cờ cầm một chiếc cờ hiệu nhỏ để điều chỉnh trận đấu. Cách chơi cờ không có khác biệt so với các ván cờ bình thường.
  • Người chơi đấu trí với nhau để giành được chiến thắng cuối cùng.

Chọi gà

Mang đến không khí náo nhiệt cho các lễ hội Tết chắc chắn không thể không nhắc đến chọi gà. Đây là một “bộ môn” vừa tao nhã lại vô cùng thú vị, hấp dẫn. Cách chơi chọi gà như thế nào?

  • Những chú gà chiến được đem thi đấu đều được tuyển chọn và luyện tập kỹ càng. Khu vực chơi chọi gà được quây thành vòng tròn, gà chiến được thả bên trong, người xem ở bên ngoài.
Chọi gà siêu gay cấn
Chọi gà siêu gay cấn
  • Khi đối đầu với các đối thủ, các chú gà sẽ tung ra những đòn đánh mạnh nhất, dùng móng, cựa và mỏ để hạ gục đối phương. Những trận chiến ngang tài ngang sức có thể kéo dài đến hàng giờ đồng hồ. Xung quanh là tiếng hò reo, cổ vũ của người xem tạo nên không khí cực rộn ràng.
  • Chung cuộc chú gà nào không còn khả năng “tham chiến” sẽ thua cuộc. Hoặc nếu thấy gà của mình bị đuối sức, người chơi có thể nhận thua để tránh gây thương tích.

Bịt mắt bắt lợn

Bịt mắt bắt lợn là trò chơi “huyền thoại” mang đến những trận cười nắc nẻ cho cả người tham gia và người theo dõi. Bịt mắt bắt lợn có luật chơi như thế nào?

  • Đầu tiên chúng ta cần khoanh vùng khu vực bắt lợn bằng nan tre hoặc nứa. Tiếp đó thả lợn vào trong vòng tròn.
  • Người tham gia bắt lợn sẽ được bịt mắt và dẫn vào vòng tròn sau đó.
  • Dựa vào tiếng kêu cùng sự chỉ dẫn của người xem xung quanh, người chơi di chuyển quanh vòng tròn để bắt lợn.
  • Người bắt được lợn chính là người thắng cuộc của trò chơi.

Thi thổi cơm

Thi thổi cơm là trò chơi dân gian mang nhiều ý nghĩa của người dân Việt Nam. Nó phản ánh đời sống lao động của người nông dân với sự nghiệp lúa nước. Hơn nữa đây cũng là hình thức để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của toàn dân tộc. Thi thổi cơm thường được tổ chức trong các dịp đặc biệt với cách thức như sau:

Thi thổi cơm tại các lễ hội Tết cổ truyền
Thi thổi cơm tại các lễ hội Tết cổ truyền
  • Khu vực tổ chức thi thường là các bãi đất trống. Mỗi đội được trang bị gậy dài 3m để làm đòn gánh treo niêu cơm. Bên cạnh đó sẽ được phát thêm gạo, niêu đất, củi và dụng cụ đánh lửa.
  • Khi có hiệu lệnh bắt đầu, quá trình thổi cơm được bắt đầu với các công đoạn: Nhóm lửa, treo nồi, vo gạo và nấu chín cơm.
  • Mỗi đội có 2 người gánh cơm, 1 người cầm củi và 1 người nấu cơm. Để cơm chín ngon, đều các thành viên trong đội cần có sự phối hợp nhịp nhàng. Lưu ý quá trình nấu cơm các đội chơi phải di chuyển liên tục.
  • Kết thúc thời gian thi, đội nào có cơm ngon, dẻo, chín đều sẽ là người chiến thắng.

Đi cầu kiều

Đi cầu kiều cũng là một trò chơi đặc biệt thú vị, thu hút rất nhiều người tham gia trong các dịp lễ hội. Cách chơi như sau:

Thử sức với trò chơi đi cầu kiều!
Thử sức với trò chơi đi cầu kiều!
  • Đi cầu kiều thường được tổ chức tại các khu vực có ao, hồ với độ sâu vừa phải. Tại đó người ta bắc một đoạn tre đã được làm phẳng, mịn qua để làm cầu.
  • Nhiệm vụ của người chơi là di chuyển qua cầu và lấy cờ hoặc giải thưởng ở đầu cầu bên kia. Quá trình di chuyển không được rơi xuống nước. Để thành công, người chơi cần có sự khéo léo bởi việc đi trên thân cây tre là điều không hề đơn giản.

Nếu như người chơi phải tập trung cao độ để “chinh phục” cầu kiều thì người xem sẽ có những trận cười “bể bụng” trước màn biểu diễn “tắm ao” của nhiều tuyển thủ. Đây cũng là nét hấp dẫn của trò chơi này.

Được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, những trò chơi dân gian từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa mỗi dịp tết và lễ hội. Không chỉ góp phần tạo không khí rộn ràng và náo nhiệt hơn, nó còn góp phần tạo nên giá trị truyền thống dân tộc. Trên đây là một số những trò chơi dân gian tiêu biểu, mong rằng có thể đem đến cho bạn thông tin tham khảo thú vị!

Website đang chạy thử nghiệm