Rừng nguyên sinh cũng như vai trò và tầm quan trọng của rừng nguyên sinh đang là chủ đề khá được quan tâm trên toàn thế giới. Vậy chính xác rừng nguyên sinh là gì? Rừng nguyên sinh có những đặc điểm gì nổi bật? Cùng theo dõi nhanh bài viết chia sẻ dưới đây nhé!
Contents
Rừng nguyên sinh là gì?
Theo Wiki, rừng nguyên sinh là những khu rừng chưa bị ảnh hưởng bởi con người trong quá trình phát sinh. Nó có thể là khái niệm rộng hơn của rừng nguyên thủy với giới hạn hẹp hơn về thời gian và nguồn gốc.
Điều này cũng có nghĩa là những khu rừng đã bị tác động bởi loài người sẽ được gọi là rừng thứ sinh. Các tác động được nhắc đến ở đây có thể là nạn phá rừng, đốn chặt rừng hay cháy rừng,… Dù có thể đã được khôi phục và tái sinh phần nào song những hậu quả để lại là điều không thể chối cãi.
Các đặc điểm của rừng nguyên sinh
Theo thống kê các khu rừng nguyên sinh hiện chỉ đang chiếm khoảng 26% rừng tự nhiên. Vậy rừng nguyên sinh có những đặc điểm gì nổi bật?
Là hình thái cao nhất của rừng
Có thể nói rừng nguyên sinh là hình thái cao nhất của rừng. “Độ tuổi” cũng là một yếu tố quan trọng được nhắc tới trong quá trình hình thành của các khu rừng nguyên sinh. Dĩ nhiên tất cả các khu rừng đều có các “mức độ” trưởng thành khác nhau tùy vào môi trường sống của chúng. Thậm chí có những khu rừng với các loại cây lên đến hàng ngàn năm. Do vậy thuật ngữ “rừng già” phần lớn đều chỉ được hiểu theo nghĩa tương đối.
Chứa đựng sự kế thừa của hệ sinh thái
Sự kế thừa hay chính là quá trình hoàn thiện, phát triển của rừng nguyên sinh cũng là một đặc thù mà các loại rừng khác khó có thể có được. Về sinh thái, sự kế thừa ở đây chính là cách để hệ sinh thái chuyển đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác.
Những sinh vật và động vật được đầu tiên được gọi là loài tiên phong. Đa phần đều là những loại cỏ, cây hoặc thực vật tầng thấp nhờ tận dụng được ánh sáng mặt trời. Cỏ cây sau khi sống và chết đi sẽ được “biến đổi” thành chất dinh dưỡng cho đất, tạo điều kiện sinh trưởng tốt hơn cho các loài thực vật khác.
Quá trình thay thế của các loại động, thực vật được lặp đi lặp lại theo thời gian. Mỗi “lớp” mới sẽ được thừa hưởng điều kiện sinh sống và phát triển tốt hơn so với loài trước đó. Đây cũng là tiền đề cho sự thay đổi về hệ sinh thái theo thời gian. Quá trình đó cũng được thể hiện từ biến đổi của: Cỏ cây ưa ánh nắng đến cây thân gỗ mềm và cuối cùng là cây thân gỗ cứng với các tán lá cao và dày.
Sự nguyên sơ trong quá trình hình thành, phát triển
Nhắc đến rừng nguyên sinh chắc chắn không thể không đề cập đến sự nguyên sơ của hệ sinh thái động thực vật. Điều này được lý giải nhờ ít phải chịu tác động từ con người giúp những khu vực này giữ trọn được tính toàn vẹn của cảnh quan.
Tuy nhiên bản chất nguyên sơ không có nghĩa là toàn bộ cánh rừng không có sự xuất hiện của con người. Thực tế có rất nhiều khu rừng nguyên sơ trên thế giới luôn có cộng đồng người bản địa sinh sống. Họ đã sống ở đó tới hàng trăm năm, sử dụng những tài nguyên rừng như một sinh kế phục vụ cuộc sống. Đồng thời những cộng đồng người này cũng được coi là người bảo vệ, góp phần tạo nên sự đa dạng và phát triển của cánh rừng.
Vì sao phải bảo vệ, trồng rừng nguyên sinh?
Theo ghi nhận các khu rừng nguyên sinh dần có sự suy giảm về số lượng trong nhiều năm gần đây. Ở thời điểm hiện tại diện tích rừng nguyên sinh chỉ bằng ⅓ của tổng diện tích rừng. Đồng thời có không ít các loài động, thực vật đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đó là lý do các phong trào bảo vệ, trồng rừng nguyên sinh luôn được khuyến khích. Để hiểu rõ hơn, dưới đây là một số vai trò mà rừng nguyên sinh có thể mang lại cho con người.
Chống lại biến đổi khí hậu
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của rừng nguyên sinh là giúp chống biến đổi khí hậu. Thực tế những khu rừng này thường rất giàu carbon, thậm chí có tới hơn 141 tỷ tấn carbon có tại rừng nguyên sinh nhiệt đới.
Cụ thể cây lấy Cacbon từ khí quyển và lưu trữ trong đất, thân và lá. Với diện tích lớn cùng rất nhiều các loại cây, trạng thái chính của rừng là cô lập Cacbon, lọc không khí trong nhiều thế kỷ. Đồng thời rừng nguyên sinh cũng đóng vai trò như một lá phổi khổng lồ, đảm bảo chuyển đổi oxy cung cấp cho sự sống trên trái đất. Mặt khác nó cũng đem đến hiệu quả trong việc giảm khả năng chuyển đổi và chống lại các biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Đảm bảo sự đa dạng sinh học
Trong các giai đoạn hình thành và phát triển, rừng nguyên sinh là nơi sinh sống và phát triển của rất nhiều loài động và thực vật. Đặc biệt khi không có sự can thiệp của loài người, chúng có thể phát triển theo một cách tự nhiên, nguyên thủy nhất với sự đa dạng sinh học cao hơn, hình thành tương tác loài phức tạp.
Hơn hết độ phức tạp càng cao đồng nghĩa với hệ sinh thái càng có khả năng phục hồi và ổn định khi phải đối mặt với nguy cơ, xáo trộn trong tương lai. Do vậy việc bảo tồn và phát triển những khu rừng nguyên sinh sẽ giúp gìn giữ, đa dạng hóa hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa và lối sống truyền thống của các dân tộc, người dân bản địa.
Những khu rừng nguyên sinh ở Việt Nam
Không những là lá phổi xanh của trái đất hay nơi bảo tồn những loài động và thực vật quý hiếm, các khu rừng nguyên sinh hiện đang được khai thác trong nhiều lĩnh vực với phạm vi ảnh hưởng cho phép. Đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu hay du lịch xanh. Ở Việt Nam cũng có một số khu rừng nguyên sinh.
Rừng nguyên sinh Tam Đảo – Vĩnh Phúc
Rừng Tam Đảo – Vĩnh Phúc là một trong các khu rừng sinh thái lớn nhất của miền Bắc. Diện tích rộng khoảng 34.996 ha trong đó 26.163 ha là rừng. Chủ yếu là rừng tự nhiên với độ che phủ đạt ngưỡng 70%. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều các loại động và thực vật khác nhau. Trong đó có thể kể đến một số loại nổi bật như: Trà hoa đỏ, vàng, Râu Hùm, Lan Kim Tuyền, Hoa Tiên, Kim Giao,… Đối với động vật, rừng Tam Đảo có bướm kiến, cá cọc, khỉ mặt đỏ, sóc đen,… Tất cả những điều này góp phần tạo nên sự hấp dẫn và thảm thực vật đa dạng cho khu rừng này.
Rừng quốc gia Cúc Phương
Rừng Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng tại ranh giới Tây Bắc giáp với 3 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Ninh Bình. Trong đó khu vực thuộc địa phận Ninh Bình là đẹp nhất, cách Hà Nội hơn 120km. Sở hữu diện tích rừng lớn, thảm thực vật và động vật tại đây vô cùng đa dạng với những đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới.
Rừng Cúc Phương cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam với rất nhiều loài động và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, cần bảo tồn. Đến với nơi đây, bạn sẽ có cơ hội được ngắm nhìn và sờ tận tay những cây cổ thụ với tuổi thọ tới hàng trăm tuổi. Đặc biệt đây cũng là nơi sinh sống của rất nhiều loại động và thực vật có tên trong sách Đỏ.
Rừng Cúc Phương cũng được biết đến như một địa điểm khảo cổ vô cùng lý thú. Tại đây người ta đã tìm thấy rất nhiều di vật của người tiền sử với niên đại tới 12.000 năm như rìu đá, mồ mả, dao bằng vỏ sò, mũi tên bằng đá hay các dụng cụ xay nghiền. Đặc biệt nhất phải kể đến các hang động với dấu hiệu sinh sống của loài người từ hàng nghìn năm trước đó.
Rừng thông Bản Áng – Sơn La
Rừng thông Bản Áng thuộc xã Đông Sang của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây nổi tiếng là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng với khung cảnh tuyệt sắc nhân gian. Nơi đây có hai hồ nước tự nhiên siêu lớn nằm sát cạnh rừng thông, chạy dọc theo hướng Đông và Tây như một sự sắp xếp hoàn hảo của thiên nhiên.
Rừng thông có diện tích rộng khoảng 43 ha với 2 loại thông là thông Đà Lạt và thông địa Phương. Nổi tiếng bởi sự mộc mạc có phần thơ mộng, mơ màng, rừng thông Bản Áng được ví như Đà Lạt thu nhỏ của vùng núi Tây Bắc. Tọa lạc trên vùng cao nguyên Mộc Châu, nơi đây có khí hậu vô cùng dễ chịu, mát mẻ quanh năm với hàng thông xanh rì, trải dài vô tận trên các triền đồi nâu đỏ.
Rừng phong Chế Tạo
Thuộc dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn, rừng phong Chế Tạo được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp nhất với nhiều loài cây tán rộng, lá kim với vẻ đẹp hoang sơ còn nguyên vẹn.
Theo thống kê rừng phong Chế Tạo có hơn 788 loài thực vật bậc cao thuộc 480 chi và 147 họ. Trong đó có hơn 33 loài là loại quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Không chỉ vậy đây cũng là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật cần được bảo vệ như gà lôi tía, vượn đen tuyền, niệc cổ hung hay vooc xám,…
Cung đường di chuyển đến rừng phong Chế Tạo tương đối xa và khó đi. Tuy nhiên nếu có cơ hội ghé thăm, hẳn bạn sẽ không phải thất vọng khi được chiêm ngưỡng sự “giàu có” của thiên nhiên cùng khung cảnh tuyệt sắc của nơi này. Thời điểm đẹp nhất của rừng Chế Tạo là mùa đông, cả cánh rừng mang màu đỏ của lá phong vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ đến ngỡ ngàng.
Khu rừng nguyên sinh Pù Mát – Nghệ An
Vườn quốc gia Pù Mát thuộc huyện Con Cuông, Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 120km về phía Tây Nam. Đây cũng là một trong những khu rừng nguyên sinh có diện tích lớn nhất khu vực miền Bắc và miền Trung của Việt Nam. Pù Mát trong tiếng dân tộc Thái có nghĩa là con dốc cao. Nơi đây được thành lập vào năm 2002 và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007. Ngoài ra nơi đây cũng được biết đến là một địa điểm du lịch sinh thái, thắng cảnh thiên nhiên cực hút khách.
Rừng Pù Mát có diện tích rừng tự nhiên là 194.000 ha trong đó 94.000 ha là vùng lõi và hơn 100.000 ha còn lại là vùng đệm. Đỉnh Pù Mát cao khoảng 1840m, quanh năm được bao quanh bởi mây và sương mù. Với hơn 2400 loài thực vật với nhiều loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới, Pù Mát cũng là một khu bảo tồn lớn của Việt Nam.
Nói đến hệ sinh thái động và thực vật tại rừng nguyên sinh Pù Mát chắc chắn phải kể đến các loài Pơ Mu, Sao Hải Nam hay Sa Mu cùng nhiều loại dược liệu quý. Hệ động vật ở đây cũng đặc biệt đa dạng đặc biệt là hổ, voi, hoẵng, hay Sao La – Kỳ lân châu Á.
Rừng Nam Cát Tiên
Rừng Nam Cát Tiên là rừng bảo tồn thuộc 3 tỉnh là Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước với nhiều loài cây quý và chim muông hiếm có. Với thảm thực vật vô cùng đa dạng, nơi đây được đánh giá là một trong các điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước hằng năm.
Nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, xanh mướt, rừng Nam Cát Tiên có khoảng hơn 50% diện tích là rừng xanh, 40% là rừng tre và còn lại là 10% nông trại. Sự khác biệt của các khu vực rừng góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hình thành lên thảm thực, động vật vô cùng đa dạng. Cụ thể tại đây có khoảng hơn 62 loài lan quý cùng 40 loài động thực vật quý hiếm.
Nhắc đến rừng Nam Cát Tiên, bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, vùng đất ngập mặt Bàu Sấu với diện tích lớn nhất nhì Việt Nam cũng là một điểm đến lý tưởng được nhiều người chú ý. Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm rừng Nam Cát Tiên vào khoảng tháng 12 đến tháng 5 bởi lúc này thời tiết khá khô ráo, không quá nắng nên rất thuận tiện cho việc di chuyển, khám phá. Nếu muốn ghé thăm vào khoảng thời gian còn lại, bạn nên tham khảo dự báo thời tiết trước để không gặp mưa bão.
Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư là rừng ngập mặn tiêu biểu vùng Tây sông Hậu. Đây cũng là nơi sinh sống của rất nhiều những loài động và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Ngoài được biết đến như một địa điểm du lịch sinh thái, rừng Trà Sư cũng có vai trò rất quan trọng với khí hậu và môi trường nước của vùng Bảy Núi. Đây là nơi sinh sống của hơn 70 loài chim với 3 loài cực kỳ quý hiếm là Cò Cổ Rắn hay Điêng Điểng và Cò Lạo Ấn Độ với tên gọi khác là Giang Sen. Khu rừng này cũng đặc biệt nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú. Theo ghi nhận có khoảng hơn 22 loài bò sát, 23 loài thủy sản và 11 loài thú với nhiều giá trị về khoa học, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như cá còm, cá trê trắng,… Về thực vật, rừng Trà Sư có hơn 140 loài với 102 chi và 52 họ cùng hơn 80 loài dược liệu.
Ghé thăm rừng tràm Trà Sư, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp tự nhiên của khu rừng xinh đẹp này. Du khách sẽ được đi thuyền trên đồng ruộng nước mênh mông, mặt nước phủ một màu xanh mướt của bèo tây mang đến cảm giác bình yên đến lạ kỳ. Xa xa là tiếng chim hót ríu rít gọi bầy cùng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ chắc chắn sẽ là trải nghiệm hiếm có trong đời.
Rừng nguyên sinh Cần Giờ
Chỉ cách Sài Gòn hơn 50km về phía Nam, song rừng nguyên sinh Cần Giờ luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp rất riêng. Đây cũng là một trong top những khu du lịch sinh thái hot với số lượng lớn du khách ghé thăm thưởng ngoạn.
Rừng nguyên sinh Cần Giờ được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển tại Đông Nam Á với diện tích gần 76.000 ha trong đó vùng đệm là 41.000 ha và vùng lõi khoảng 4.700 ha. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều các loại cây ngập mặn như ô rô, đước, sú, vẹt cùng rất nhiều các loài động vật quý hiếm.
Bên cạnh vẻ đẹp cùng sự đa dạng về hệ sinh thái, rừng ngập mặn Cần Giờ cũng có vai trò rất lớn trong công tác phòng chống thiên tai, điều tiết không khí cho các khu vực tỉnh thành phía Nam. Khu rừng này có điều kiện môi trường vô cùng đặc biệt với sự kết hợp giữa hệ sinh thái trên cạn và dưới nước (Bao gồm cả nước mặn và nước ngọt).
Không chỉ có vai trò lớn trong việc cân bằng thời tiết, rừng nguyên sinh còn là nơi sinh sống của hệ thống thảm động, thực vật vô cùng đa dạng. Trên đây là tất cả những thông tin về rừng nguyên sinh với những đặc điểm và các khu rừng nguyên sinh đẹp, nổi tiếng tại Việt Nam. Mong rằng bài viết có thể mang đến cho bạn những chia sẻ hữu ích!