Rate this post

Những lễ hội ngày tết là một nét đẹp văn hoá truyền thống được gìn giữ bao đời của người Việt Nam mỗi độ tết đến xuân về. Dưới đây là những lễ hội nổi tiếng nhất ở Việt Nam ở cả hai miền Bắc Nam mà bạn có thể tham khảo và thử một lần tham dự.

Contents

Các lễ hội ngày tết miền Bắc nổi tiếng

Bạn có đã từng đến những lễ hội đặc sắc này hay chưa?

Lễ hội chùa Hương

Nhắc đến một trong các lễ hội ngày tết Việt Nam nổi tiếng nhất thì không thể không nhắc đến lễ hội Chùa Hương. Đây là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất Việt Nam và thu hút du khách khắp nơi về tham dự vào dịp đầu năm mới. Lễ hội chùa Hương sẽ được tổ chức tại vùng đất Hương Sơn, bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.

Chùa Hương không chỉ là nơi để bạn khấn xin Đức Phật những điều tốt lành trong năm mới, vừa được đắm mình trong khung cảnh rừng núi thiên nhiên bao la. Nơi đây cũng có một quần thể các điểm du lịch khác mà bạn có thể đến tham quan và trải nghiệm như bến Đục, núi Ngũ Nhạc, suối Yến, đền Trình, chùa Thiên Trù, suối Giải Oan, động Hương tích, đền Cửa Vòng, chùa Cả…

ngày hội tết

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội Yên Tử

Lễ hội chùa Yên Tử là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Lễ hội Yên Tử sẽ được bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài cho đến hết mùa xuân. Chùa Yên Tử (Quảng Ninh) cũng là nơi hội tụ và lưu giữ tinh hoa văn hóa Phật giáo lâu đời tại Việt Nam.

Lễ hội Yên Tử sẽ được tổ chức đi kèm với các hoạt động như Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, múa Rồng Lân, trò chơi dân gian, múa võ thuật cổ truyền… Bên cạnh việc hành hương làm lễ cầu mong may mắn, sung túc cả năm thì đến Yên Tử vào thời điểm này, bạn sẽ có dịp du xuân vãn cảnh, tận hưởng tiết trời xuân và cảm nhận sự thanh tịnh, trong lành của thiên nhiên đất trời.

Lễ hội khai ấn đền Trần

Khai ấn đền Trần là lễ hội ngày Tết nổi tiếng được mở ra nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị vua Trần. Lễ hội được tổ chức trang trọng vào khoảng giữa đêm ngày 14 và đầu ngày 15 tháng Giêng hàng năm tại Khu di tích đền Trần nằm tại phường Lộc Vượng, tỉnh Nam Định.

Lễ hội thường bắt đầu với lễ khai ấn lúc giờ Tý giữa đêm và tiếp theo đó là lần thực hiện các nghi thức truyền thống như rước nước, tế cá. Đặc biệt trong ngày khai ấn, bạn có thể xin được lá ấn để tài lộc dồi dào và may mắn suốt cả năm. Bên cạnh đó, Khai ấn đền Trần cũng có đan xen các tiết mục truyền thống đặc sắc như múa chèo, mùa rồng, hát quan họ, đấu vật…

Lễ hội Lim

Nhắc đến một lễ hội dân ca tại Việt Nam thì không thể không nhắc đến hội Lim. Hội Lim là lễ hội lớn nhất tỉnh Bắc Ninh, nơi đây nổi tiếng với làn điệu dân ca quan họ sâu lắng của vùng Bắc Bộ. Hội Lim thường hay được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch. Trải qua các thế hệ đến nay, đây vẫn là một trong các lễ hội dịp Tết nguyên đán độc đáo, lưu giữ những nét đẹp truyền thống dân gian Việt Nam.

Hội Lim sẽ mở đầu với lễ diễu hành, nơi người dân sẽ vận vào các bộ lễ phục thời xưa sặc sỡ. Trong ngày hội chính sẽ là những nghi thức rước, tế lễ các danh thần liệt nữ và thành hoàng tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân và lăng quận công Đỗ Nguyên Thu, thắp hương cúng Phật. Ngoài ra, lễ hội cũng có các hoạt động dân gian thú vị như đấu vật, kéo co, thổi cơm, dệt vải, đu quay…

le-hoi-tet

Lễ hội Lim ở Bắc Ninh

Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ

Hội rước pháo Đồng Kỵ là lễ hội được tổ chức sớm vào dịp đầu năm mới vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại ngôi làng cùng tên của tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội là dịp để người dân tưởng niệm và tưởng nhớ Thánh Thiên Cương, vị tướng lĩnh được người dân ở đây tôn thờ làm thành hoàng làng.

Lễ hội này sẽ khai mạc từ tối mùng 3 Tết, người dân làng Đồng Kỵ sẽ làm lễ rước vua về đình để chuẩn bị tổ chức lễ đốt pháo cho ngày hôm sau. Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, nơi đây cũng có các hoạt động văn hoá nghệ thuật khác được tổ chức như múa rối nước, đua thuyền rồng, kéo co, đu tiên, chọi gà, cờ tướng…

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn là lễ hội truyền thống đã có lịch sử hình thành từ thế kỷ X trên quê hương của vua Lê Đại Hành. Lễ hội sẽ được diễn ra từ mùng 5 cho đến mùng 7 tháng Giêng tại huyện Duy Tiên thuộc tỉnh Hà Nam.

Không gian văn hoá của Lễ hội Tịch điền được giữ lại các nghi thức truyền thống xưa gồm lễ cáo yết Thành Hoàng, lễ sái tịnh, lễ rước nước lên chùa Đọi,, cuộc thi vẽ và trang trí trâu, lễ rước kiệu đón vua… Bên cạnh đó là những hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn và lành mạnh khác.

Những lễ hội ngày tết miền Trung nổi bật

Không rộn ràng như những tỉnh phía Bắc, các lễ hội ngày tết nguyên đán ở miền Trung có phần trầm lắng và dịu dàng hơn. Dưới đây là những lễ hội miền Trung nổi bật mà bạn có thể tham gia vào mùa xuân.

Lễ hội đền vua Mai

Lễ hội đền vua Mai là lễ hội dân gian truyền thống để tưởng niệm vua Mai Thúc Loan, lễ hội này được tổ chức hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng. Đây cũng là một trong những lễ hội mở màn cho nhiều hoạt động vui chơi đầu năm của tỉnh Nghệ An.

Lễ hội được tổ chức long trọng, quy mô lớn và khá cầu kỳ với các nghi thức truyền thống như lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ yết cáo, lễ tế gia quan… Trong đó, quan trọng nhất là lễ cúng tế thần sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng để mời thần linh về dự lễ hội. Đồng thời cũng là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn với thần linh. Bạn cũng có thể tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu,đi cầu kiều…

Lễ hội Cầu Ngư

Nhắc đến một lễ hội lớn và lâu đời ở miền Trung thì không thể bỏ qua lễ hội Cầu Ngư. Không giống với các lễ hội ngày Tết khác, lễ hội Cầu Ngư chỉ được tổ chức 3 năm một lần, thời gian diễn ra sẽ bắt đầu từ mùng 1 đến hết 12 tháng Giêng âm lịch. Do đó nếu muốn tham dự lễ hội Cầu Ngư này, bạn sẽ cần tham khảo thông tin trước.

Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức để người dân tưởng nhớ công ơn của Trương Quý Công, người làm nghề chài lưới đã truyền dạy nghề của mình và duy trì cho đến ngày nay. Đây cũng là dịp để người dân nơi đây cầu sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe và cuộc sống của mọi người được ấm no.

Lễ hội vật làng Sình

Lễ hội vật làng Sình là một trong những lễ hội độc đáo của xứ Huế, diễn ra từ ngày 9 cho đến mùng 10 tháng Giêng. Hội vật làng Sình là hội vật cổ truyền mang đậm nét văn hoá độc đáo được người dân gìn giữ và phát triển cho đến tận hôm nay.

Lễ hội này còn mang yếu tố tâm linh để cầu nguyện cho ngôi làng bình yên, người dân mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp mọi người duy trì môn thể thao mang đậm tinh thần dân tộc, khuyến khích việc rèn luyện thể lực, lòng can đảm, sự nhanh nhẹn và mưu trí ở các tầng lớp thanh niên.

Lễ hội Đống Đa

Lễ hội Đống Đa được tổ chức để kỷ niệm và tưởng nhớ vị vua nổi tiếng Quang Trung cùng chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lễ hội Đống Đa sẽ bắt đầu từ chiều mùng 4 và kéo dài đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội Đống Đa

Đây là một trong những ngày hội quan trọng dịp đầu xuân của những người dân vùng đất Tây Sơn – Bình Định. Bên cạnh việc thực hiện những nghi lễ truyền thống, lễ hội này cũng tổ chức nhiều sự kiện liên quan văn hoá dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, hát bội, đua thuyền…nhằm tái hiện lại một số trận đánh lịch sử của người anh hùng áo vải Quang Trung.

Xem thêm:

>>> Các phong tục tết cổ truyền Việt Nam không thể thiếu mà bạn không biết

Những lễ hội ngày tết miền Nam đặc sắc

Dưới đây là 4 lễ hội nổi tiếng tại miền Nam độc đáo và đặc sắc mà bạn nên tham gia.

Lễ hội núi bà Đen

Đây là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Phật giáo Tây Ninh nói riêng và miền Nam nói chung. Lễ hội núi Bà Đen sẽ diễn ra từ đầu năm cho đến cuối tháng Giêng âm lịch, lễ hội này như một cách thể hiện lòng thành kính đối với tượng Bà và cầu mong nhiều điều tốt lành trong đời sống.

Lễ hội núi Bà Đen

Bên cạnh việc hành hương, cúng lễ và đi thăm những điểm đến tâm linh như tượng Bà, đền Linh Sơn Thánh Mẫu, Miếu Sơn Thần.. Bạn cũng sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng ở độ cao 380m.

Lễ hội bà chúa Xứ

Lễ hội bà chúa Xứ là một lễ hội cực kỳ quan trọng của đồng bào miền Tây Nam bộ, lễ hội này được tổ chức để người dân có thể thể hiện lòng thành kính của mình với Bà Chúa Xứ. Hội sẽ được diễn ra từ đêm 23/4, kéo dài đến 27/4 âm lịch tại miếu Bà Chúa Xứ thuộc thành phố Châu Đốc của tỉnh An Giang.

Lễ hội Bà Chúa Xứ sẽ bao gồm năm lễ lớn bao gồm: Lễ tắm Bà, lễ Túc Yết, lễ xây chầu, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, lễ Chánh tế. Mỗi năm, nơi đây thu hút rất nhiều du khách thập phương đến để dâng hương và cầu nguyện may mắn, bình an cả năm.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là một ngày hội mang nét đặc sắc của văn hóa vùng Đông Nam Bộ. Lễ hội chùa này được tổ chức để nhớ ơn bà Thiên Hậu, người phụ nữ nhiều lần đã cứu giúp các ngư dân bình an trở về bờ. Lễ hội thường được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 13 cho đến rằm tháng giêng tại Bình Dương.

Lễ hội bà Thiên Hậu

Ở dịp lễ này, người dân sẽ cúng tế trước nhà vào đêm 13 tháng Giêng nhằm chuẩn bị cho lễ vía Bà cho ngày hôm sau. Sáng ngày 14 tháng giêng, lễ rước Bà Thiên Hậu sẽ được tiến hành theo nghi thức, sau đó kiệu Bà sẽ được rước khắp phố phường. Người dân lúc này sẽ được vào vía Bà và xin lộc, đồng thời cầu mong mọi sự sẽ đều suôn sẻ.

Lễ hội đền Đức Thánh Trần

Lễ hội đền Đức Thánh Trần sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng tại tp.HCM. Đây là dịp để người dân nơi đây có thể tri ân công đức của người anh hùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – người đã lập lên nhiều chiến công vang dội với ba lần đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên – Mông.

Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ là một địa điểm văn hoá tâm linh nổi tiếng, mà còn là nơi có thể giáo dục về văn hóa truyền thống và lịch sử cho thế hệ trẻ mai sau. Việc tham dự lễ hội đặc sắc này sẽ giúp bạn hiểu biết nhiều hơn giá trị văn hoá lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Với những thông tin được cung cấp, mong rằng bạn đã nắm được những lễ hội ngày tết nổi bật của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Chúc bạn sẽ có một mùa tham gia lễ hội thật nhiều kỉ niệm!

Website đang chạy thử nghiệm