Chúng ta thường nghe nói “vạn sự tuỳ duyên”, “tất cả do duyên sinh”. Tuy nhiên không phải ai cũng đã hiểu rõ và hiểu đúng về nghĩa của chữ “duyên”. Cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để biết được duyên là gì nhé.
Contents
Duyên là gì theo từ điển?
Theo từ điển tiếng Việt thì “duyên” là một danh từ với 2 nét nghĩa chính đó là:
- Nét nghĩa thứ nhất: Duyên là do trời định cho mỗi người, con người không thể tác động được. Sự gặp gỡ, kết hợp giữa con người với con người cùng những sự kiện trong cuộc sống điều có một chữ duyên. Không chỉ vậy chữ “duyên” có vị trí đặc biệt trong đời sống tình cảm của đôi lứa, vợ chồng. Như vậy, hiểu theo cách đơn giản nhất thì chữ “duyên” chỉ sự tương hợp tinh thần, tình cảm giữa người với người; giữa người với sự vật, sự kiện. Ví dụ “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”.
- Nét nghĩa thứ 2: Duyên chỉ vẻ đẹp hấp dẫn tự nhiên của một người nào đó khiến mọi người xung quanh quý mến. Ở né nghĩa này duyên được dùng để chỉ vẻ đẹp trong ăn nói, tính tình, cách ứng xử của một người. Ví dụ “ăn nói có duyên”, “cười duyên”,…
Bên cạnh 2 nghĩa trên thì trong tiếng Việt còn có một từ duyên gốc Hán nữa có nghĩa là men theo, nương theo. Ví dụ “duyên hải – chỉ miền đất ven biển, men theo nước biển”.
Duyên là gì theo quan điểm Phật giáo
Chữ “duyên” là một trong những thuật ngữ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Giữa 2 chữ “nhân quả” chúng ta còn có một chữ “duyên” (nhân-duyên-quả,). Trong đó nhân là nguyên nhân chính, duyên là những tác nhân phụ, quả chính là kết quả của nhân và duyên khi đã hội tụ đủ (nói cách khác quả được hình thành khi nhân duyên đã chín).
Ví dụ: Hạt lúa là nhân thì các điều kiện liên quan như đất, nước, nắng mưa, sự chăm sóc của con người chính là duyên. Khi duyên đủ cây lúa phát triển tốt, đến mùa gặt ắt bội thu (những bông lúa vàng là quả). Ngược lại khi thiếu duyên (đất, nước,…) cây lúa không thể nảy mầm và phát triển để tạo thành quả.
=> Như vậy chúng ta có thể thấy trong quan điểm của đạo Phật “duyên” chính là điều kiện để nhân trổ quả. Khi không có duyên, nhân không thể trổ quả.
Một số khái niệm liên quan đến duyên trong đạo Phật
Dưới đây là một số khái niệm để bạn có thể hiểu rõ hơn về chữ duyên trong Đạo Phật.
Nhân duyên sinh là gì?
Khi nói nhân duyên sinh chính là đề cập đến sự sinh khởi trong quy luật sinh, trụ, hoại, diệt của mọi sự vật hiện tượng. Tất cả vạn vật trên đời này đều do nhân duyên mà sinh khởi sau đó trải qua giai đoạn biến đổi và đoạn diệt (kết thúc, chết). Hay nói theo cách khác là khi không có hoặc không đủ nhân duyên sẽ không có sự khởi sinh.
Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên)
Thập nhị nhân duyên chính là 12 nhân duyên để hình thành nên tiến trình luân hồi sinh tử của mọi chúng sinh. 12 nhân duyên theo đạo Phật gồm vô minh, hành, thức, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử (già chết). 12 nhân duyên này nối với nhau tạo thành một vòng tròn luân chuyển liên tục. Các bạn có thể quan sát sơ đồ dưới đây để có thể hiểu rõ hơn.
=> Như vậy chúng ta có thể thấy 12 nhân duyên là nguyên nhân khiến cho chúng sinh chìm đắm mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Để giải thoát sinh tử, người tu cần tìm cách bẻ gãy, cắt đứt một mắt xích của vòng tròn 12 nhân duyên này (thường là ái). Khi cắt được “ái dục”thì tiến trình luân hồi sanh tử tự khắc chấm dứt.
Vạn sự tùy duyên là gì?
Nói vạn sự tùy duyên nghĩa là khi đã thấy rõ về quy luật nhân-duyên-quả và tác động của 12 nhân duyên đối với sự sinh diệt của chúng sinh và các sự vật hiện tượng. Từ đó con người trở nên bình tĩnh, lạc quan, tự tại trước mọi đổi thay trong cuộc sống. Tùy duyên đây là sống thuận theo nhân-duyên nhưng không phải tâm thái phó mặc, buông xuôi mà là hiểu rõ về nhân-duyên sinh diệt nên chấp nhận vô thường. Khi sống tùy duyên tâm của con người sẽ nhẹ nhàng hơn.
Tránh ác duyên là gì?
Khi chúng ta muốn tiến tu cần phải tránh ác duyên, tức là tránh những điều tạo nên duyên ác, quả xấu.
Ví dụ: Người thích ăn nhậu
- Nhân là lòng tham ăn uống
- Duyên (nhân phụ) là sự rủ rê, mời gọi của bạn bè, sự ham vui
- Quả là say xỉn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách, dễ bị tai nạn….
Để hạn chế quả ác do say xỉn tạo nên chúng ta cần tránh xa các duyên xấu ác đó là các cuộc tụ họp nhậu nhẹt, những người thích nhậu nhẹt…Đây gọi là tránh ác duyên, cũng tương tự như việc “gần mực thì đen”.
Đủ thiện duyên là gì?
Để một việc lành nào đó thành công phải hội đủ thiện duyên. Hay nói cách khác sự thành công trong một phương diện nào đó của cuộc sống cần phải nhờ có nhiều duyên lành kết hợp lại. Điều này tương tự như người xưa vẫn nói “để thành công cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Như vậy, thiện duyên chính là duyên lành, những nhân tố khiến chúng ta đạt được điều mà mình mong muốn một cách dễ dàng.
Giải nghĩa một số khái niệm liên quan đến duyên trong đời sống
Trong phần này của bài viết chúng tôi sẽ giải nghĩa một số khái niệm khác liên quan đến chữ “duyên” trong đời sống để các bạn có thể hiểu rõ hơn.
Có duyên gì? Hữu duyên là gì?
Hữu duyên có nghĩa là có duyên nghĩa thích hợp, gắn bó. Từ này thường được dùng để chỉ việc chúng ta may mắn gặp được một điều gì đó tuyệt vời, ai đó phù hợp với mình một cách tình cờ.
Ví dụ:
- Khi nói “tôi có duyên với Phật pháp”. Có nghĩa là Phật pháp hợp với tôi, chỉ cần nghe qua một vài lần tôi đã hiểu và tin theo Phật Pháp.
- Khi nói có duyên với nhau là chỉ sự tình cờ mà bắt gặp nhau trong cuộc sống.
Ngoài nghĩa trên thù “có duyên” con được hiểu là một người nào đó có những nét hấp dẫn tự nhiên trong ngoại hình, hành động, cử chỉ, lời nói.
Ví dụ:
- “Con bé này có duyên đáo để”. Câu này được dùng để khen một người nào đó xinh xắn có hành động cử chỉ làm người khác thấy quý mến.
Nghiệt duyên là gì?
Nghiệt duyên chính là những mối duyên do các hành động xấu của kiếp trước tạo nên. Kiếp này 2 người này phải gặp nhau để trả cho hết nợ cho nhau. Mối nghiệt duyên kết thúc sớm hay muộn sẽ tùy vào điều mà bạn đã làm trong quá khứ nặng hay nhẹ.
Ví dụ, nếu vợ chồng đến với nhau vì nghiệt duyên thì sẽ có một cuộc sống hôn nhân với đầy đau khổ. Biểu hiện của điều này đó là cặp vợ chồng luôn khắc khẩu, có những hành động mang đến nhiều tổn thương nhau và làm cho đối phương phải ưu phiền phương làm cho cuộc sống xảy ra mâu thuẫn thường xuyên
Gieo duyên là gì?
Gieo duyên là gieo trồng hạt giống duyên với một việc nào đó. Ví dụ gieo duyên xuất gia, là gieo trồng duyên lành với việc xuất gia, là làm quen, trải nghiệm đời sống xuất gia. Khi một người có chí nguyện muốn xuất gia thì phải phát tâm gieo duyên xuất. Sau khi gieo duyên nếu chưa đủ duyên để xuất gia ở kiếp này thì ở kiếp sau sẽ có được đủ duyên lành để xuất gia .
Qua bài viết chúng ta có thể thấy chữ “duyên” có rất nhiều nghĩa khác nhau. Duyên có thể là nói về việc gì đó do trời định, có thể là sự xinh xắn đáng yêu của một ai đó hoặc có thể hiểu là điều kiện để mọi sự khởi sinh. Tùy theo từng trường hợp mà chúng ta sẽ hiểu và lý giải sao cho hợp lý nhất. Hy vọng qua bài viết này của chúng tôi các bạn đã hiểu rõ được duyên là gì?