Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm trong chiều dài lịch sử, các phong tục ngày Tết vẫn luôn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những phong tục độc đáo, ý nghĩa này nhé!
Contents
Tảo mộ tổ tiên
Tảo mộ hay chạp mã là phong tục không thể thiếu trong những ngày Tết đến xuân về. Bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 của tháng Chạp, con cháu trong gia đình sẽ tề tựu đi thăm, dọn dẹp mồ mả của tổ tiên, người thân đã mất.
Sau khi dọn dẹp xong, mọi người dâng hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh người thân về nhà ăn Tết cùng gia đình. Không chỉ đơn thuần là một phong tục, đây cũng là cách để con cháu nhớ về những người thân đã mất, bày tỏ sự thành kính và lòng hiếu đạo.
Cúng ông Công, ông Táo
Lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Vào ngày này các gia đình thường dọn dẹp sạch sẽ khu vực bếp nấu, chuẩn bị đồ cúng và cá vàng để cúng ông Công ông Táo về trời.
Theo quan niệm dân gian, sau lễ cúng ông Công ông Táo sẽ về chầu trời bằng cá vàng để bẩm báo với Ngọc Hoàng về mọi việc của gia chủ trong một năm qua. Cá vàng sau khi cúng được phóng sinh ra ao, sông hoặc suối gần nhà.
Dọn dẹp nhà cửa
Những ngày Tết cận kề cũng chính là lúc phong trào “Quốc tế dọn nhà” được khởi động. Dọn dẹp nhà đón Tết vẫn luôn là công việc thường niên của mỗi gia đình. Vốn không đơn giản là làm sạch để đón Tết, hoạt động này còn mang ý nghĩa là xóa bỏ những điều xui rủi, đen đủi của năm cũ để đón chào tài lộc, bình an và may mắn trong năm tới.
Ngày nay phong tục dọn nhà đón Tết vẫn đang được duy trì tại các gia đình Việt. Đây cũng là dịp để các thành viên từ người lớn đến trẻ nhỏ cùng nhau bắt tay vào tẩy rửa, lau chùi mọi đồ vật và ngóc ngách của gia đình. Chỉ cần nhìn những hình ảnh dọn dẹp nhà cửa đón Tết được các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội cũng đã đủ khiến mọi người háo hức, chờ mong.
Họp chợ Tết
Bạn đã bao giờ thử đi chợ ngày Tết chưa? Đây hẳn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời đấy! Những ngày cận Tết, các khu chợ trở nên nhộn nhịp hơn với rất nhiều các mặt hàng cùng đa dạng màu sắc để phục vụ nhu cầu sắm sửa đón Tết.
Chợ Tết của mỗi vùng sẽ có khác biệt song chắc chắn đều vô cùng náo nhiệt và thú vị. Những sạp bánh kẹo, quần áo có lẽ vẫn luôn là điểm đến hút khách đặc biệt là các bạn nhỏ được theo bố mẹ sắm Tết.
Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả được tạo thành từ 5 loại trái cây quen thuộc với 5 màu sắc được bày trên bàn thờ tổ tiên của các gia đình trong dịp Tết. Dù tại các vùng miền các loại quả được sử dụng có thể khác biệt song ý nghĩa của mâm ngũ quả đều là cầu mong một năm mới thuận lợi, bình an, may mắn và sung túc.
Dựng cây nêu
Cây nêu thực chất là các cây tre thẳng, dài được trang trí nhiều màu sắc. Với người Việt, câu nêu ngày Tết mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, quỷ dữ, những điều không may mắn. Đồng thời nó cũng thể hiện hy vọng về một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Phong trào dựng cây nêu Tết hiện đã dần mai một, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên nếu đã được trải nghiệm qua hẳn đó sẽ là những kỷ niệm khó quên với mỗi người.
Gói bánh chưng
Nhắc đến Tết chắc chắn không thể không nhắc đến cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Quả thật phong tục gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến vẫn luôn là “hoạt động” được mọi người mong chờ. Nhất là những người con xa quê.
Bánh chưng thường được gói bằng lá dong, gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn. Từng chiếc bánh chưng vuông vức sau khi gói được luộc trong chiếc nồi lớn. Có lẽ được quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp sẽ luôn là kỷ niệm khó quên của nhiều người.
Bánh sau khi chín được vớt ra để ráo. Sau đó các gia đình sẽ chuẩn bị các cặp bánh để dâng lên bàn thờ gia tiên. Nếu như miền Bắc có bánh chưng thì bánh tét là món bánh truyền thống ngày Tết của người miền Nam và miền Trung.
Trưng bày hoa ngày Tết
Trong những ngày Tết, những lọ hoa tươi đẹp cũng được chuẩn bị như tô điểm thêm sắc xuân. Ngoài việc làm đẹp cho nhà cửa, phong tục này cũng mang ý nghĩa mong cầu một năm mới vạn sự như ý, tài lộc, thịnh vượng và thành công.
Tết đến xuân về cũng là thời điểm cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc. Có rất nhiều các loài hoa được lựa chọn để trưng Tết tại các gia đình. Ngoài những loài hoa đặc trưng như hoa đào, hoa mai thì hoa lan, hoa đồng tiền, hoa mận,… cũng rất được ưa chuộng.
Hướng dẫn: Gợi ý cách cắm hoa tuyết mai đẹp, tươi lâu đón Tết
Cúng tất niên
Cúng tất niên là nghi thức quan trọng, thường được tổ chức vào ngày giao thừa. Lễ cùng này được hiểu như một dấu mốc cho sự kết thúc của năm cũ và đón chào năm mới. Vào ngày này các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cúng thịnh soạn dâng lên bàn thờ gia tiên. Sau đó các thành viên trong gia đình sẽ tụ tập lại với nhau, ăn uống và đón chờ khoảnh khắc giao thừa của năm.
Tham khảo: 15 món ăn truyền thống ngày tết không thể thiếu trong mâm cơm
Thức đón giao thừa
Sau một năm dài bận rộn với công việc, các gia đình Việt thường dành trọn vẹn khoảnh khắc đón giao thừa bên nhau. Có thể là cùng sum vầy bên bếp bánh trưng hay ngồi ăn uống, trò chuyện,…
Hái lộc đầu năm
Hái lộc đầu năm được hiểu là cách bẻ lá hoặc một cành cây mang về nhà với hàm ý hy vọng một năm mới nhiều may mắn, tài lộc và bình an. Ngoài ra mọi người cũng cho rằng những cây được hái lộc sẽ phát triển tươi tốt hơn trong năm tới.
Xông đất – Phong tục ngày Tết của người Việt
Người đầu tiên bước vào nhà sau giao thừa chính là người xông đất của gia đình (hay còn được gọi là đạp đất). Thường để gặp nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới, gia chủ sẽ chủ động nhờ người hợp tuổi với mình.
Xuất hành đầu năm
Xuất hành đầu năm hay chính là những bước chân đầu tiên ra khỏi nhà trong năm mới. Để mong cầu tài lộc và thuận lợi nhiều người cũng tham khảo thêm về thời gian và hướng đi hợp tuổi.
Chúc Tết và mừng tuổi
Chúc Tết vốn không chỉ là truyền thống mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt. Vào ngày mùng 1 của năm mới, các gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết nội ngoại, hàng xóm và họ hàng.
Những lời chúc tốt đẹp được dành tặng cho những người thân yêu. Con cháu chúc ông bà, bố mẹ nhiều sức khỏe, bình an và may mắn. Sau đó người lớn sẽ chúc lại con cháu kèm theo những chiếc phong bao lì xì. Bên trong đó là những đồng tiền mới, tượng trưng cho tài lộc, may mắn và thành công. Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó trân quý ở ý nghĩa khi được tặng.
Đi lễ chùa
Lễ chùa đầu năm là hoạt động vừa thể hiện lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên vừa để cầu mong một năm mới bình an, tài lộc cho cả nhà. Không chỉ vậy đi chùa đầu năm cũng giúp bản thân mỗi người được thanh tịnh hơn, khởi đầu một năm mới tốt đẹp, may mắn.
Xin chữ đầu năm
Mỗi dịp đầu xuân năm mới mọi người thường rủ nhau đi xin chữ về treo trong nhà. Phong tục này được lưu truyền với ý nghĩa mong cầu những điều tuyệt vời, tốt đẹp nhất đến với người thân, gia đình.
Những chữ mang nghĩa tốt đẹp như: An, Thọ, Minh, Tuệ, Thành, Phúc,… khá được yêu thích. Từng nét chữ được viết trên giấy đỏ chứa đựng những lời cầu chúc từ chính người xin và người cho chữ.
Tạm kết
Tết là mở đầu của một năm mới, cũng là dấu chấm hết cho năm cũ đã qua. Có lẽ bởi vậy mỗi người, mỗi gia đình đều mong cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân và những người mình yêu thương.
Trên đây là những phong tục ngày Tết của người Việt và ý nghĩa ẩn chứa trong đó. Đó không chỉ là những phong tục được lưu truyền qua nhiều đời mà còn là truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ sau này cần trân trọng và lưu giữ.