Rate this post

“Niết bàn” là một thuật ngữ vô cùng quan trọng trong đạo Phật. Thuật ngữ này xuất hiện trong nhiều cuốn kinh Phật. Trong Kinh Pháp Cú có viết “niết bàn là hạnh phúc tối thượng”. Vậy niết bàn là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ và hiểu đúng nghĩa của từ Niết bàn trong nhà Phật nhé!

Contents

Niết bàn nghĩa là gì?

“Niết bàn” trong tiếng Phạn là “Nirvana”. Khi giải thích theo lối chiết tự chúng ta có. 

Niết bàn là gì?
Niết bàn là gì?
  • Cách lý giải 1: “Niết” (Nir) là ra khỏi, “bàn” (vana) là rừng sâu, rừng rậm. Niết bàn là ra khỏi cánh rừng sâu mê tối phiền não. 
  • Cách lý giải số 2: “Nir” là ra khỏi, ly khai còn “vana” là con đường vòng vèo, quanh quẩn. Nirvana (niết bàn) là ly khai con đường quanh quẩn (bứt phá khỏi vòng sinh tử luân hồi). 
  • Cách lý giải số 3: “Nir” là không, “vana” là hôi tanh, dơ bẩn. Nirvana là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch).
  • Cách lý giải số 4: “Nir” là không, “vana” là ái dục. Niết bàn là tách khỏi xa rời ái dục. Ái dục chính là sợi dây nối kiếp sống này với kiếp sống khác, không còn ái dục là không còn luân hồi sinh tử (Niết bàn).

=> Niết bàn (nirvana) là sự đoạn trừ dục vọng, thanh tịnh tuyệt đối, chấm dứt nhân quả nghiệp báo, vượt ra khỏi vòng luân hồi sanh tử. 

Bản chất của niết bàn theo đạo Phật

Qua những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy niết bàn trong Phật giáo không phải một cõi để những người tu hành sau khi chết đi về như nhiều người vẫn nghĩ. Niết bàn không có không gian và thời gian nên không phải là một cõi. Niết bàn là khi tâm con người tận diệt được tham ái, sân hận và si mê, đạt đến trạng thái bình lặng tuyệt đối. Con đường diệt tham, sân si, là con đường đi đến niết bàn giải thoát. 

Bản chất của niết bàn trong đạo Phật
Bản chất của niết bàn trong đạo Phật

Theo như lời truyền giảng của Đức Phật thì bản chất của niết bàn chính là không sinh, không hoại, không diệt. Trong Kinh Trung bộ, niết bàn được đồng nhất với chân lý tuyệt đối, vượt ra khỏi những ý niệm nhị nguyên, tương đối. 

=> Niết bàn tồn tại ở trong tâm hồn của mỗi người chứ không phải là một không gian nào đó xa xôi. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được trạng thái niết bàn trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, để đạt được niết bàn ngay trong thực tại không phải là điều dễ dàng, con người phải thoát khỏi sự vô minh, phải giác ngộ quy luật vô thường – vô ngã. 

Niết bàn theo quan điểm Phật giáo có mấy loại?

Theo quan điểm của đạo Phật thì niết bàn được chia làm 2 loại đó là “hữu dư niết bàn” và “vô dư niết bàn”. Thông tin chi tiết như sau:

 

Hữu dư niết bàn

Hữu dư niết bàn hay còn được gọi là niết bàn tương đối, niết bàn tại thế. Đây là khái niệm được dùng để chỉ trạng thái đã dứt hết phiền não, ba nọc độc tham – sân – si đã tận diệt, chứng được niết bàn nhưng vẫn còn thân xác do nghiệp quả của đời trước vẫn còn. Có nghĩa là người đó đã hết nhân sinh tử (sau khi mất không còn luân hồi nữa), nhưng quả sinh tử vẫn còn (quả phải trả vẫn còn). 

Có mấy loại niết bàn?
Có mấy loại niết bàn?

Bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã đạt tới hữu dư niết bàn khi ngài 35 tuổi. Lúc ấy chính là khi ngài nhìn thấy sao mai mọc, sau 49 ngày ngồi dưới gốc cây bồ đề để chiêm nghiệm về chân lý cuộc đời. 45 năm còn lại của cuộc đời Đức Phật tuy không còn vô minh, phiền não nhưng ngài vẫn không thoát khỏi lão – bệnh – tử. Sau khi đạt được hữu dư niết bàn Đức Phật đã không ngừng giảng pháp độ hóa người có duyên đồng thời trả những quả mà ngày vẫn còn nợ chúng sinh từ vô lượng kiếp trước. 

Hữu dư niết bàn - Đạt được niết bàn ngay khi vẫn còn sống
Hữu dư niết bàn – Đạt được niết bàn ngay khi vẫn còn sống

Vô dư niết bàn

Vô dư Niết bàn hay còn được gọi là niết bàn tuyệt đối, niết bàn xuất thế, đại niết bàn. Trong kinh bản sinh có giải thích về vô dư niết bàn như sau: “Đó là trạng thái đã chứng đắc được La Hán, hết sạch các phiền não, phạm hạnh đã được thành lập, những việc cần làm đã làm đủ, đã vứt bỏ hết gánh nặng… Tất cả các điều cảm thụ ở hiện tại đều không còn do nhân dẫn đến, không còn mong cầu, hy vọng cũng hết, rốt ráo tịch lặng, vĩnh viễn trong mát, ẩn lặng không hiện…”

Nói một cách đơn thì vô dư niết bàn là chứng được cảnh giới niết bàn và ngũ uẩn cũng không còn (thân xác không còn). 

Vô dư Niết bàn - Niết bàn tuyệt đối
Vô dư Niết bàn – Niết bàn tuyệt đối

=> Như vậy khi xét về mặt bản chất, hữu dư niết bàn và vô dư niết bàn đều chỉ về trạng thái tâm linh thanh tịnh tuyệt đối, không còn tham, sân, si, mạn, nghi. Điểm khác biệt là ở chỗ, người đạt được niết bàn khi thân thể còn sống hay là đã chết.

Cách để đạt đến niết bàn

Làm sao để đạt tới niết bàn? Theo đạo Phật con người có thể đạt được niết bàn bằng cách đi trên con đường Bát Chánh Đạo. Đây là con đường duy nhất giúp con người chấm dứt khổ đau, tạo nên Giới – Định -Tuệ. Đi đến niết bàn giải thoát. Bát Chánh Đạo bao gồm: 

Chánh kiến

“Chánh” tức là ngay thẳng, là đúng đắn còn “kiến” là thấy, nhận thức, sự nhận biết. Chánh kiến là sự nhận thức đúng đắn, sáng suốt của trí tuệ. Hiểu rõ bản chất của sự thật, tức là hiểu được tất cả sự vật hiện hữu trên thế gian này đều do nhân duyên sinh ra, không có gì là trường tồn và vạn vật luôn biến đổi không ngừng; hiểu được rằng có nhân quả và nghiệp báo; nhận thức rõ được sự hiện hữu của ta, của mọi người, mọi vật tại thời điểm hiện tại; nhận thức rõ về khổ đau, vô thường, vô ngã của vạn pháp.

Chánh tư duy

Có nghĩa là suy nghĩ chân chánh, không trái với lẽ phải trên cuộc đời. Từ hiểu biết đúng (chánh kiến) chúng ta có những suy nghĩ đúng, không bị mê hoặc bởi cảm xúc (tư tưởng vượt thoát khỏi tham-sân-si). 

Chánh ngữ

Tức là lời nói chân thật, ngay thẳng. Thực hành chánh ngữ là không nói dối; không nói lời thêu dệt; không nói lời ác độc; không nói lời đâm chọc người khác; không nói lời thô tục; không nói điều chưa rõ; không nói hai lời…

Bát chánh đạo - Con đường đi đến giải thoát, giác ngộ
Bát chánh đạo – Con đường đi đến giải thoát, giác ngộ

 

 

Chánh mạng

Chính là tôn trọng sự sống của muôn loài, mọi chúng sinh trên thế gian đều bình đẳng. Thực hành chánh mạng tức là có những hành động đúng đắn không làm việc lợi mình hại người; thiện lương, không bóc lột, chà đạp người khác; không sát sinh hại mạng… Chánh mạng khuyên con người nên tránh xa các nghề mang quả xấu như buôn bán vũ khí, đồ tể, buôn người, săn bắt thú,… 

Chánh nghiệp

Tức là có hành động sáng suốt, chân chánh. Luyện tập chánh nghiệp là làm điều thiện, tránh xa những việc ác. Ví dụ như không tà dâm; không trộm cắp; tôn trọng sự sống của mọi loài; không làm hại đến tài sản và địa vị của người khác,…

 

Chánh Tinh Tấn

“Tinh tấn” có nghĩa là siêng năng, trú tâm, cố gắng. Chánh tinh tấn có nghĩa là liên tục cố gắng, kiên trì đến cùng, tập trung đi đến lý tưởng đúng đắn mà bản thân đang theo đuổi. Thực hành chánh tinh tấn là tiêu diệt các tật xấu đồng thời vun bồi, nuôi dưỡng những điều tốt, trau dồi trí tuệ và phước đức.

Tinh tấn - Tập trung, nỗ lực, kiên trì đến cùng
Tinh tấn – Tập trung, nỗ lực, kiên trì đến cùng

Chánh Niệm

Có nghĩa là an trú trong hiện tại, tâm không hoài niệm quá khứ, không lo lắng về tương lai. Ví dụ, khi ta đang ăn cơm ta biết rằng ta đang ăn cơm, biết rõ hương vị của từng loại thức ăn ta đưa vào miệng; khi ta đang đi bộ ta biết rằng ta đang đi bộ, cảm nhận được rõ xúc cảm khi lòng bàn chân đặt xuống mặt đường… 

Chánh Định

“Định” ở đây là thiền định, tập trung tư tưởng để tu tập. Chánh định có nghĩa là tập trung tư tưởng vào chân lý đúng. Thực hành thiền là điều quan trọng để “định tâm” của người tu tập. 

Các bước để đi đến niết bàn

Để đạt được niết bàn bạn phải có Giới và Định. Khi có Giới và Định, Tuệ sẽ được khởi sinh.

Giới – Bước đầu tiên đến niết bàn

Giữ vững giới luật là bước đầu tiên để con người đi đến niết bàn, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. 5 giới luật cơ bản nhất của một người đệ tử Phật cần thực hiện đó là: 

Để đi đến niết bàn con người cần giữ giới
Để đi đến niết bàn con người cần giữ giới

5 giới cơ bản của trong đạo Phật

  • Không sát sanh: Không sát hại và gây thương tổn đến bất cứ chúng sanh nào trên đời. Chúng ta cần có lòng từ bi thương xót tất cả chúng sanh, ngay đối với những sinh vật bé nhỏ nhất. 
  • Không trộm cắp: Cần chánh trực và thành thật trong mọi việc cư xử. Không tham lam, không có hành vi trộm cắp tài sản, công sức của người khác. 
  • Không tà dâm: Tà dâm là điều làm con người mất phẩm giá, trong sạch. Người hướng đến giác ngộ giải thoát cần tránh xa tà dâm. 
  • Không nói dối: Không nói những điều không có thật, không nói ra lời làm người khác đau lòng, chia rẽ tình cảm,… 
  • Không uống rượu: Ngăn ngừa tâm trí không tỉnh táo làm việc nguy hại đến bản thân và người khác. Mở rộng của giới này là không sử dụng các chất gây nghiện bao gồm cà phê, ma tuý, thuốc lá,…
Cách để con người đạt đến được niết bàn
Cách để con người đạt đến được niết bàn

Lợi ích khi giữ giới

Năm giới nêu trên đây là những nguyên tắc sơ đẳng của sự tu hành đạo đức. Là điều thiết yếu cho người đang đi trên con đường đến niết bàn. Khi phạm các điều ấy là chúng ta đang tạo ra các chướng duyên trên con đường tu tập. Ngược lại, khi thọ trì các giới sẽ tạo sự vững chắc và thuận duyên trên bước đường tu tập.

Giữ vững 5 giới trên chúng ta sẽ vững chắc trong việc kiềm chế lời nói, hành động và lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Nghiệp lực của sự tinh tấn này sẽ thúc đẩy chúng ta từ bỏ những dục lạc của thế gian và chấp nhận sống đời sống tu hành. Tuy nhiên chúng ta không nên nghĩ rằng phải hướng cuộc đời mình trở thành một tu sĩ (Tỳ Kheo) hoặc phải sống ẩn dật, lánh đời mới có thể chứng đắc Niết Bàn. Đời sống của Tỳ Kheo chắc chắn giúp nhiều cho sự tiến bộ trong việc tu hành nhưng thực tế cho thấy người cư sĩ tại gia vẫn có thể trở thành một vị A La Hán khi quyết tâm tinh tấn tu hành.

Định – Bước thứ hai đi đến niết bàn

Khi đứng vững chắc trên nền tảng của giới luật, chúng ta có thể bắt đầu bước vào thực hành trình độ cao hơn gọi là Định. Định là giai đoạn giúp chúng ta kiểm soát và tu sửa tâm mình. 

Định là giai đoạn thứ 2 của hành trình đi đến niết bàn
Định là giai đoạn thứ 2 của hành trình đi đến niết bàn

Định có nghĩa là giữ tâm an trụ vào một điểm. Đó là sự hướng cho tâm tập trung vào một đề mục và hoàn toàn không suy nghĩ đến việc gì khác. Các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Chọn đề mục thiên

Có nhiều đề mục tham thiền khác nhau, tùy theo tâm tánh của mỗi người để chọn được để mực phù hợp nhất. Dưới đây là 3 đề mục thiền để bạn tham khảo

  • Sổ tức quán (đếm hơi thở) – là pháp môn dễ nhất để giúp cho tâm định. Khi hành thiền chúng ta sẽ đếm hơi thở ra, hơi thở vào.
  • Quán từ bi – thiền quán từ bi tạo cho tâm chúng ta có an lạc và hạnh phúc. 
  • Quán tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ và Xả) – là phương pháp định tâm được nhiều bậc tu hành chọn lựa. 

Bước 2: Thực hành thiền

Sau khi đã tìm hiểu và chọn được đề mục tham thiền mà mình muốn thực hiện chúng ta cần bắt đầu tinh tấn thực hành. Trong quá trình thiền tâm chúng ta có thể bị quấy phá bởi các thứ phiền não (ngũ cái) như:

  • Tham dục
  • Sân nhuế (giận hờn)
  • Thụy miên (biếng nhác, mê ngủ)
  • Trạo hối (xao động nơi tâm)
  • Nghi ngờ.
Hành thiền là phương pháp để định tâm
Hành thiền là phương pháp để định tâm

Khi vượt qua những chướng ngại trên chúng ta đạt được đến cảnh giới tâm nhập định. Lúc này chúng ta sẽ cảm thấy niềm hỷ lạc vô biên trong thiền định, thọ hưởng sự vắng lặng và thanh tịnh của tâm. Và khi đạt đến tâm hoàn toàn an trụ, có thể chứng đắc năm phép thần thông là Thiên Nhãn Thông, Tha Tâm Thông, Thiên Nhĩ Thông, Túc Mạng Thông, và Thần Túc Thông. Tuy nhiên chúng ta không nên chìm đắm trong các phép thần thông này. 

=> Lưu ý: Lúc này mặc dù tâm chúng ta lúc ấy đã thanh tịnh, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nơi khuynh hướng ham thích lạc thú. Bởi thiền định chỉ giúp những dục vọng tạm thời lắng dịu bất cứ lúc nào chúng đều có thể hiện khởi trở lại nơi tâm của chúng ta. 

Tuệ – bước cuối cùng đi đến niết bàn

Cả “giới” và “định” đều hữu ích trong sự đoạn diệt những chướng duyên trên đường Thánh Đạo (đi đến niết bàn), nhưng duy nhất chỉ khi có “tuệ” mới giúp chúng ta nhìn ra được sự thật. Khi diệt trừ được ái dục nhờ vào định trí tuệ sẽ khởi sanh. 

Tuệ - Là bước cuối cùng để đi đến niết bàn giải thoát
Tuệ – Là bước cuối cùng để đi đến niết bàn giải thoát

Với tâm an trụ vào một điểm, bây giờ chúng ta giống như một tấm gương được lau chùi sạch sẽ, có thể quan sát vạn vật và thấy chân tướng của vạn vật. Bất luận hướng nhìn vào nơi nào, chúng ta đều thấy ba đặc tánh đó là pháp ấn (vô thường), khổ và vô ngã. Chúng ta nhận thức và chấp nhận được rằng kiếp sống là luôn luôn biến đổi và mọi sự vật đều vô thường. Dù là ở cõi trời hay thế gian (trần gian), chúng ta cũng không tìm thấy được hạnh phúc thực sự. Bởi mỗi hình thức của dục lạc đều là khởi đầu cho sự khổ đau.

 Kết luận

Như vậy chúng ta có thể thấy niết bàn là cảnh giới con người vượt ra khỏi nỗi khổ của sanh tử luân hồi. Tâm trong sạch, không còn tham luyến ái dục trần gian, nhận thấy rõ vô thường và bản chất của khổ đau. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt đến cảnh giới niết bàn ngay trong đời sống thực tại bằng cách tinh tấn tu tập, thực hành Bát Chánh Đạo. Hy vọng qua bài viết các bạn đã hiểu rõ niết bàn là gì cũng như làm sao để đạt đến niết bàn. 

Website đang chạy thử nghiệm