Mứt Tết được xem là một nét truyền thống đặc biệt của nước ta mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Thay vì đi mua mứt được làm sẵn, nhiều người đã thể hiện sự “khéo tay hay làm” bằng cách trổ tài với những món mứt Tết siêu ngon mà lại vô cùng đơn giản. Cùng bắt tay vào thử ngay cách làm mứt tết để cùng nhau nhâm nhi hoặc làm quà tặng cho những người thân yêu nhé!
Contents
Cách làm các món mứt đơn giản cho ngày Tết thêm ấm áp
Với những loại củ, quả quen thuộc và một chút khéo léo là chúng ta có thể tạo nên những món mứt nhiều màu sắc, thơm ngon, hấp dẫn. Dưới đây là cách làm một số loại mứt quen thuộc, đơn giản mà bạn có thể tham khảo:
Mứt dừa sợi nhiều màu sắc
Mứt dừa là một trong những loại mứt truyền thống, quen thuộc trong ngày Tết ở cả 3 miền đất nước. Mứt dừa có mùi vị thơm béo, dễ ăn nên cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều yêu thích. Không chỉ là những sợi mứt dừa trắng, bạn có thể chế biến nhiều kiểu mứt khác nhau, màu sắc sinh động, hấp dẫn hơn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
Để làm mứt dừa sợi không đứt, bạn cần:
- Cơm dừa: 500gr
- Đường trắng: 250gr
- Các loại bột tạo màu hoặc củ dền, hoa đậu biếc để xay, ngâm tạo màu
Cách làm mứt Tết dừa sợi nhiều màu:
Bước 1: Sơ chế dừa làm mứt
- Nên chọn cơm dừa (cùi dừa) bánh tẻ không quá non và không quá già để mứt mềm và ngon hơn. Sau khi mua về bạn sẽ tiến hành bào thành các sợi dài và mỏng.
- Cho dừa đã bào vào trong chậu, đổ ngập nước và khuấy đều để dừa tiết dầu ra. Khi nước chuyển sang màu đục thì đổ bỏ và tiếp tục thêm nước, khuấy đều cho đến khi nước trong, sợi dừa không còn nhờn rít.
- Vớt dừa nạo sợi ra, để ráo nước tự nhiên.
Bước 2: Ướp dừa với đường
Sau khi dừa ráo nước, cho vào nồi để ướp cùng 250gr đường trắng từ 1 – 2 giờ. Có thể xóc nhẹ nhàng cho đường bám đều vào dừa, không xóc mạnh hoặc dùng đũa đảo dễ làm dừa bị đứt.
Nếu muốn tạo màu cho mứt dừa, bạn hãy thêm bột nghệ, bột trà xanh, bột cacao,… vào một chút nước hoặc xay củ dền, ngâm hoa đậu biếc lấy nước và ướp cùng dừa, đường để tạo màu sắc.
Bước 3: Sên mứt dừa
- Khi đường tan hết, bắc nồi lên bếp, đun với lửa trung bình lớn đến khi nước trong nồi sệt lại thì hạ nhỏ lửa.
- Khi có bong bóng nhỏ trong nồi, hạ lửa nhỏ nhất và đảo nhẹ tay để dừa thấm đều nước đường.
- Cho đến lúc dừa khô, xuất hiện lớp đường cát bám trên sợi dừa, bạn tắt bếp, đảo nhanh tay hơn cho đến khi dừa khô hẳn và cứng lại.
- Thực hiện sên mứt từng màu riêng biệt, nhớ rửa nồi/chảo khi sên mẻ mứt dừa mới tránh lẫn màu.
Với một số nguyên liệu đơn giản và cách làm không quá phức tạp là bạn đã có thể làm được món mứt dừa hấp dẫn, bắt mắt lại thơm ngon rồi đấy!
Cách làm mứt Tết từ vỏ bưởi lạ miệng
Mứt vỏ bưởi hơi cay the lại có màu sắc đẹp sẽ là một gợi ý thú vị trong khay kẹo ngày Tết năm nay của gia đình bạn. Cùng khám phá cách làm đơn giản với các bước như sau:
Nguyên liệu của mứt vỏ bưởi:
Để làm mứt vỏ bưởi lạ miệng, bạn cần:
- Vỏ bưởi: 500gr
- Đường trắng: 300gr
- Muối
- Nước vôi trong
Các bước làm mứt vỏ bưởi:
Bước 1: Sơ chế vỏ bưởi làm mứt
- Vỏ bưởi nên cắt bỏ bớt phần cùi trắng và đem rửa sạch, thái thành sợi vừa ăn. Có thể dùng vỏ bưởi non để mứt có màu xanh hoặc dùng vỏ bưởi chín để mứt có màu vàng.
- Cho vỏ bưởi vào nồi/tô cùng 1 muỗng muối, bóp vỏ bưởi và rửa lại nhiều lần với nước để vỏ bưởi mềm hơn, bớt đắng.
- Ngâm vỏ bưởi cùng nước vôi trong từ 3 – 4 giờ rồi rửa lại thật sạch với nước.
Bước 2: Luộc vỏ bưởi
- Đun sôi 1 nồi nước, cho 1 thìa cafe muối vào và luộc vỏ bưởi khoảng 3 phút. Đổ nước đi và thêm nước sạch vào, luộc vỏ bưởi thêm 2 – 3 lần.
- Vớt vỏ bưởi ra và để ngâm trong nước lạnh 5 phút sau đó vớt ra, vắt nhẹ cho vỏ bưởi bớt nước.
Bước 3: Ướp vỏ bưởi:
- Cho đường cát trắng vào vỏ bưởi đã luộc, trộn đều và ngâm trong khoảng 4 giờ cho ngấm.
Bước 4: Sên mứt bưởi:
- Đặt nồi lên bếp đun với lửa vừa, thi thoảng đảo đều vỏ bưởi trong nồi. Khi nước đường cạn bớt thì bạn đảo liên tục với lửa nhỏ nhất.
- Khi mứt khô hoàn toàn, có lớp đường mỏng bám trên mặt vỏ bưởi thì tắt bếp. Đảo đều tay cho đến khi mứt vỏ bưởi khô hẳn.
Mứt vỏ bưởi thành phẩm có màu sắc đẹp mắt, bên ngoài áo lớp đường ngọt, khi ăn sẽ có độ giòn và thơm đặc trưng.
Cách làm mứt Tết xoài dẻo
Những miếng mứt xoài mềm thơm, ngọt thanh lại chua chua sẽ vô cùng hấp dẫn trong mùa Tết năm nay. Bạn có thể chuẩn bị các nguyên liệu đơn giản để tạo nên loại mứt đặc biệt, thơm ngon này.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
Để làm mứt xoài dẻo, bạn cần:
- Xoài xanh: 1kg
- Đường trắng: 600gr
- Nước vôi trong
- Phèn chua: 1 muỗng canh
Cách làm mứt xoài dẻo cho ngày Tết:
- Xoài rửa sạch, gọt vỏ rồi bổ thành những miếng dày, dài và ngâm trong nước vôi trong khoảng 3 tiếng.
- Sau khi ngâm, vớt xoài ra, rửa sạch với nước cho hết mùi hôi và trần qua cùng phèn chua, rửa lại thật sạch với nước và để ráo.
- Cho xoài vào nồi, ngâm cùng đường trắng cho đến khi đường tan hết.
- Đặt nồi lên bếp sên với lửa vừa, thi thoảng đảo đều cho xoài trong đều. Khi miếng xoài trở nên trong, nước đường cạn, sánh lại thì tắt bếp.
- Nếu bạn muốn mứt xoài khô hơn thì có thể sấy nó trong tủ lạnh hoặc trong lò với mức nhiệt 100 độ C khoảng 40 – 60 phút.
Cách làm mứt Tết từ bí đao giòn ngọt
Mứt bí đao cũng là mứt truyền thống khá “ăn khách”, được nhiều người yêu thích. Cách làm mứt bí đao có một chút phức tạp hơn các loại mứt khác nhưng cho thành phẩm cực hấp dẫn và đáng thử đấy!
Nguyên liệu làm mứt bí đao:
Để làm mứt bí đao, bạn cần:
- Bí đao: 1.5kg
- Đường trắng: 400gr
- Nước vôi trong
- Nước hoa bưởi: 1 thìa cafe
Cách làm mứt Tết bí đao:
- Nếu không có sẵn nước vôi trong, bạn hòa tan vôi bột cùng 1,5 lít nước lạnh và lọc lấy phần nước trong.
- Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột và thái thành các miếng khoảng bằng một ngón tay đều nhau.
- Rửa bí qua nước lạnh sau đó ngâm vào nước vôi trong ít nhất 8 giờ (nên để qua đêm).
- Rửa sạch bí đao với nước lạnh nhiều lần vào để ráo nước, trải ra khay hong khô bí từ 4 – 5 tiếng.
- Cho một phần đường trắng vào nồi nước, hòa tan và đun sôi với lửa vừa. Khi nước sôi bạn cho bí vào luộc để bí chính và trong rồi vớt xếp ra khay. Tiếp tục phơi bí khoảng 4 giờ.
- Cho lượng đường còn lại vào nồi cùng nước lạnh, đun cho đến khi nước đường sôi khoảng 2 phút thì cho bí đã phơi vào, sên đến khi nước đường cạn, hơi sánh.
- Cho nước hoa bưởi vào trong nồi, sên cho đến khi đường kết tinh bám xung quanh bí, bí hơi khô lại thì tắt bếp.
- Trải bí đã sên ra khay, đặt tại nơi thông thoáng để mứt khô hơn trước khi mang đi bảo quản.
Làm mứt hạt sen
Mứt hạt sen truyền thống có vị ngọt dịu, nhâm nhi cùng một tách trà thì còn gì bằng đúng không nào? Món mứt tết này có cách làm không quá phức tạp, bất cứ ai cũng đều có thể thực hiện được.
Nguyên liệu cần có:
Để làm được món mứt hạt sen, bạn cần:
- Hạt sen khô: 220gr
- Đường trắng: 200gr
- Muối
- Chanh: 1 thìa cafe nước cốt hoặc ¼ quả
- Vani
Cách làm mứt Tết hạt sen:
- Rửa sơ qua hạt sen và ngâm trong nước vôi trong khoảng 6 giờ nếu hạt sen còn vỏ hoặc ngâm 2 giờ nếu hạt sen đã bỏ vỏ.
- Hòa muối cùng nước sạch, bỏ tim sen và ngâm trong nước muối khoảng 5 phút và rửa lại nhiều lần với nước để hạt sen thật sạch.
- Luộc hạt sen với ½ thìa cafe muối, nước cốt chanh để hạt sen được trắng hơn. Luộc 2 lần, mỗi lần 15 phút để hạt sen mềm, khử vị chát rồi vớt hạt sen ngâm trong thau nước đá 10 phút.
- Vớt hạt sen ra, để ráo nước và ngâm cùng đường trắng trong 6 giờ để đường ngấm vào hạt sen.
- Sên mứt hạt sen trên lửa lớn, khi nước đường sôi thì vặn nhỏ lửa và rác vani vào. Sên mứt cho đến khi đường khô lại, áo một lớp đường xung quanh hạt sen là có thể tắt bếp.
Hướng dẫn làm mứt Tết chuối dẻo
Mứt chuối với hương vị độc đáo, mới lạ sẽ gây nhiều ngạc nhiên cho các vị khách ghé thăm nhà bạn. Món mứt Tết này dễ ăn, lạ miệng lại có cách làm đơn giản, nguyên liệu sẵn có…
Nguyên liệu làm mứt chuối dẻo:
Để làm nên món mứt chuối lạ miệng, bạn cần:
- Chuối sứ/chuối ngự
- Đường trắng
- Dầu ăn
Cách làm mứt Tết chuối dẻo:
- Lột vỏ chuối, cắt thành 2, 3 theo chiều dọc tùy vào độ lớn của quả chuối.
- Xếp chuối ra mâm/khay và phơi nắng trong khoảng 1 – 2 giờ để chuối dẻo, khô mặt. Có thể ướp chuối với nước cốt gừng trước khi phơi để mứt thơm hơn.
- Khi chuối đã khô mặt, bạn tiến hành chiên chuối ngập dầu cho vàng giòn, không bị cháy cạnh và để ráo dầu.
- Nếu không thích dầu mỡ, bạn có thể không chiên mà chỉ phơi nắng để chuối khô lại. Cách này thường mất nhiều thời gian và đòi hỏi trời phải đủ nắng. Khi phơi chuối cần chọn nơi thoáng mát, tránh côn trùng.
- Bắc nồi lên bếp, thêm 1 chút nước, đường và khuấy cho tan hết đường. Để lửa vừa, khuấy cho tới khi có thể kéo chỉ được thì cho chuối đã phơi khô hoặc đã chiên vào ngào. Đảo đều tay để đường, chuối quyện vào nhau, khi chuối ngả màu vàng đẹp mắt thì có thể tắt bếp.
Cách làm mứt Tết mứt tắc dẻo ngon
Mứt quất (mứt tắc) với tạo hình đẹp mắt, vị chua ngọt hấp dẫn và có cách làm tương đối đơn giản. Ngoài ra món mứt này còn có công dụng tốt trong việc trị ho. Bạn có thể làm mứt tắc không cần nước vôi trong để đãi khách hoặc cùng nhâm nhi với nhau trong những ngày Tết.
Nguyên liệu cần chuẩn bị làm mứt tắc
Để làm mứt quất, cần có:
- Quất/tắc: 500gr
- Đường trắng: 250gr
- Muối
Cách làm mứt quất không cần vôi:
Bước 1: Sơ chế quất/tắc
- Quất/tắc sau khi mua về cần bỏ cuống lá và rửa sạch, dùng dao sắc khứa các cạnh xung quanh thành 4 – 6 phần tùy ý giúp lấy hạt dễ dàng hơn và tạo hình cho miếng mứt quất đẹp hơn.
- Dùng tay ấn quả quất xuống để nước và hạt chảy ra ngoài, hạn chế mứt bị đắng sau khi sên. Lọc bỏ hạt và giữ lại phần nước cốt vừa vắt ra.
- Với cách làm mứt Tết không cần nước vôi này, bạn bắc 1 nồi nước và chút muối hạt, đun sôi và cho quất đã loại bỏ nước + hạt vào trụng sơ rồi tắt bếp. Ngâm tắc khoảng 10 phút để loại bỏ tinh dầu ngoài vỏ, hạn chế tình trạng mứt quất bị the, đắng.
- Vớt quất ra, ngâm trong đá lạnh để quất nhanh nguội, không bị mềm. Rửa sạch lại một lần nữa, nên dùng tay ấn các quả quất để nước chảy hết ra ngoài.
- Cho đường vào nồi chứa quất, thêm 2 thìa canh nước cốt tắc và trộn nhẹ nhàng để không làm nát vỏ. Dùng màng thực phẩm bọc kín, để ngâm khoảng 4 giờ cho đường tan, ngấm đều vào tắc.
- Bắc nồi/chảo lên bếp và sên quất với lửa lớn. Khi đường trong nồi sôi thì hạ lửa, đun cho đến khi nước đường sệt lại. Có thể lật mặt để quất ngấm đều đường, sên đến khi quất trong là được.
- Nếu muốn làm mứt chay cay mặn ngọt, bạn thêm ⅓ thìa cafe muối, 1 thìa cafe ớt bột vào và đun với lửa nhỏ khoảng 2 phút để đường sôi trở lại, muối tan ra, bột ớt bám đều trên mứt.
- Đem mứt quất vừa sên ra phơi nắng 2 – 3 giờ hoặc sấy với nhiệt độ 100 độ C 30 phút để mứt khô hoàn toàn trước khi bảo quản.
Cách làm mứt Tết dâu tây
Màu hồng đỏ đẹp mắt của mứt dâu tây càng làm cho không khí ngày tết thêm ấm áp và vui vẻ hơn. Vị chua ngọt tự nhiên của dâu tây thêm độ giòn khi sấy khô sẽ làm nên một món mứt ấn tượng, phù hợp để thưởng thức cùng nhau hoặc mang đi tặng, biếu.
Nguyên liệu làm mứt dâu tây:
Để làm mứt dâu tây sấy giòn, bạn cần:
- Dâu tây: 1kg
- Đường: 600gr
Hướng dẫn cách làm mứt Tết dâu tây:
- Dâu tây rửa sạch, cắt bỏ phần cuống và ngâm cùng nước muối pha loãng từ 20 – 30 phút rồi rửa lại với nước, vớt ra rổ cho ráo nước.
- Cho dâu tây và đường vào chảo, đun cho đến khi dâu mềm, nước đường chuyển sang màu hồng.
- Tiếp tục đun với lửa vừa thêm 30 phút và vớt dâu tây ra, phần nước đường vẫn đun cho đến khi đặc lại.
- Khi nước đường đặc lại, tiếp tục cho dâu tây trở lại, rim cho ngấm đều đường. Khi nước đường chuyển sang nâu sẫm thì tắt bếp.
- Sấy dâu tây ở nhiệt độ 100 độ C khoảng 2 giờ để dâu tây khô hoàn toàn, để mứt nguội hẳn thì có thể cho vào lọ để bảo quản.
Cách làm mứt Tết me viên
Mứt me viên là loại mứt khá lạ với hương vị vô cùng độc đáo lại có cách làm cực đơn giản. Bên cạnh những món mứt truyền thống như mứt dừa, mứt bí, mứt hạt sen… thì một đĩa mứt me viên chắc chắn sẽ được mọi người yêu thích.
Nguyên liệu cần có cho món mứt me viên:
Để làm được món mứt me viên cho ngày Tết, chúng ta cần chuẩn bị:
- Me vắt: 300gr
- Đường: 400gr
- Nước: 200ml
- Mật ong: 20ml
- Muối
Cách làm mứt me viên:
- Với cách làm mứt Tết me viên, bạn cho me vắt vào chảo, thêm nước và 150gr đường rồi khuấy cho tan đường. Loại bỏ các hạt me rời và tiến hành sên me cho đặc sệt lại.
- Sau khi me đã sệt lại, thêm 150gr đường trắng, mật ong và muối vào và tiếp tục khuấy cho đến khi me sệt lại, màu sẫm hơn thì tắt bếp.
- Đợi cho me trong nồi nguội bớt, đeo bao tay và vo me thành từng viên tròn nhỏ. Lăn các viên me qua đường là hoàn thành, với những người thích vị cay nhẹ, có thể thêm 1 chút bột ớt vào đường, trộn đều lên trước khi lăn viên me.
Cách làm mứt cà rốt siêu đơn giản
Màu sắc đẹp mắt, hương vị ngọt nhẹ, hấp dẫn và cách làm tương đối đơn giản đã giúp mứt cà rốt được khá nhiều người lựa chọn. Bạn có thể tự tay làm nên những miếng mứt độc đáo từ cà rốt vô cùng dễ dàng.
Nguyên liệu cho cách làm mứt Tết cà rốt dẻo:
Để làm mứt cà rốt dẻo, bạn cần có:
- Cà rốt: 1kg
- Đường: 500gr
- Vani: 1 ống
Cách làm mứt cà rốt dẻo:
- Cà rốt mua về gọt vỏ và rửa sạch, tạo hình theo ý muốn của mình (tỉa hoa hoặc cắt khúc, cắt sợi, cắt khoanh tròn). Sau đó đem cà rốt trần qua nước sôi với một chút muối từ 1 – 2 phút để loại bỏ bớt mùi hăng.
- Vớt cà rốt ra, ngâm trong nước đá khoảng 3 – 5 phút cho giòn và để ráo nước.
- Ướp cà rốt với đường, trộn đều và để 3 – 4 giờ cho đường tan ra và ngấm vào cà rốt.
- Bắc nồi lên bếp, gạn lấy phần nước đường đã tan vào trước, đun sôi 3 – 5 phút. Sau đó mới cho cà rốt vào và đảo liên tục với lửa nhỏ.
- Sên mứt cùng lửa nhỏ cho đến khi đường khô và áo một lớp đường mỏng xung quanh miếng cà rốt thì cho vani vào, đảo thêm 2 – 3 lần nữa là được.
Một số lưu ý để cách làm mứt Tết luôn thành công
Thực ra cách làm các loại mứt Tết đều khá đơn giản, không có nhiều công đoạn và nguyên liệu phức tạp nên mọi người đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, một số công đoạn khi làm mứt là bắt buộc và để có được món mứt tết thành công, bạn cần lưu ý:
- Quy trình cơ bản khi làm mứt Tết bao gồm việc sơ chế, tạo hình → ngâm nước vôi trong/luộc trong phèn chua → ngâm đường → sên mứt.
- Ngâm nước vôi trong để miếng mứt có độ cứng cần thiết, thường dùng cho các loại mứt như bí đao, khoai, cà rốt,… tránh miếng mứt bị mềm như nấu canh. Khi ngâm nước vôi, cần rửa sạch nhiều lần với nước để mứt không bị hôi.
- Luộc với phèn chua thường có trong cách làm mứt Tết của những nguyên liệu dễ bị vỡ giúp tăng độ cứng, độ giòn. Luộc với lượng phèn chua vừa đủ để miếng mứt không bị cứng quá và phải xả lại dưới vòi nước nhiều lần để làm sạch.
- Khi sên mứt nên để lửa lớn → lửa vừa → lửa nhỏ khi mứt đã khô tránh làm mứt cháy, có mùi khét, lớp áo đường bị vàng.
- Lượng đường khi ngâm cùng các nguyên liệu có thể gia giảm theo sở thích ăn nhạt, ăn ngọt hoặc có thể sử dụng các loại đường ăn kiêng.
- Để mứt nguội, khô hoàn toàn trước khi bảo quản, tốt nhất nến bỏ vào lọ thủy tinh, đậy kín nắp hoặc cho vào túi zip, túi buộc kín. Vì mứt không có chất bảo quản nên cần được cất trong tủ lạnh hoặc nên sử dụng trong vòng 2 tuần, tránh để quá lâu mứt dễ bị ướt, mốc.
Lời kết
Vừa rồi, chúng tôi đã tổng hợp nhanh cách làm mứt Tết với 10 loại mứt siêu đơn giản, dễ thực hiện và hấp dẫn. Mong rằng những gợi ý của bài viết này sẽ giúp bạn trổ tài, mang đến những món mứt tuyệt vời cho mùa Xuân năm nay nhé!