GenZ và những chủ đề liên quan đến thế hệ GenZ vẫn luôn sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Đặc điểm từ cá tính mạnh mẽ, sự năng động… GenZ tạo nên dấu ấn đặc biệt và cũng khiến mọi người phải “ngã ngửa” bởi những sáng tạo teencode thế hệ mới. Hãy cùng khám phá ngay từ điển GenZ với một số từ vựng phổ biến trong giới trẻ hiện nay ngay nhé!
Contents
Tại sao lại có ngôn ngữ GenZ?
Mỗi thế hệ đều có những sáng để tạo ra được thứ ngôn ngữ riêng. Cũng như thời 8x, 9x thì thế hệ GenZ sau này cũng có loại teencode đặc biệt mà khi một người không phải GenZ đọc được cũng sẽ khó lòng hiểu được ý nghĩa.
Từ điển GenZ không phải là một loại ngôn ngữ chính thống mà nó chỉ là sự sáng tạo của những bạn trẻ GenZ. Teencode thế hệ mới được tạo ra với mục đích giúp quá trình giao tiếp nhanh gọn hơn đồng thời thể hiện được cá tính.
Trường từ vựng của ngôn ngữ GenZ thường được sử dụng trong các cuộc trò chuyện, nhắn tin thường ngày với nhau. Có thể kể đến một số ví dụ như: chầm Zn, lemỏn, trmúa hmề, mãi mận,… Đây đều là những từ được biến tấu từ tiếng Việt, tiếng Anh hoặc là những từ rút gọn, nói lái.
Một số từ teencode thế hệ mới xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội trở nên viral và trở thành các hot trend. Kho từ vựng cũng là một cách để GenZ thể hiện bản thân theo một cách mới mẻ, độc đáo, sáng tạo. So với các thế hệ trước đó thì từ điển GenZ có thể bị đánh giá là lố bịch, kệch cỡm nhưng đây cũng chỉ là cách mang lại sự vui vẻ, hài hước.
Cập nhật kho từ vựng trong từ điển GenZ thông dụng hiện nay
Nếu như không muốn trở nên “tối cổ” vì không hiểu các ngôn từ trên mạng xã hội của team GenZ, bạn hãy cập nhật ngay một số từ vựng trong teencode của GenZ dưới đây:
Flex
“Flex” là từ tiếng Anh bình thường nhưng sau khi xuất hiện trên mạng xã hội FaceBook thì nó trở nên viral. “Flex” được sử dụng với ý nghĩa chỉ các hành động khoe khoang, thể hiện một cách lố bịch, đôi khi khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Mãi mận, mãi kem
Đây là một trong những cụm từ được GenZ sử dụng khá nhiều và nó là cách nói lái của “mặn mà”. Theo đó, “mãi mận” được hiểu là “mãi mặn mà” và thường được dùng để miêu tả về bề ngoài, trạng thái của một người hoặc sự vật, hiện tượng nào đó.
“Mãi mận” trong từ điển GenZ cũng được dùng để tán dương thành tích, tài năng của một người. Đôi khi các bạn trẻ cũng sử dụng “mãi mận” như một lời cảm thán.
Mlem mlem
Trong từ điển GenZ thì từ “mlem mlem” đã nổi tiếng cách đây khá lâu và được rất nhiều bạn trẻ sử dụng. “Mlem mlem” được dùng để khen ngợi những món ăn, đồ uống ngon, nhem thèm ai đó.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì việc dùng từ “mlem mlem” sẽ bị coi là thiếu tế nhị, ví dụ như có nhiều bạn trẻ sử dụng khi nói về những người con gái chẳng hạn.
Báo, báo thủ
Hiện nay, khi lướt các trang mạng xã hội, chúng ta có thể gặp nhiều thuật ngữ mới. Trong đó có những dòng trạng thái hoặc những bình luận như: báo quá trời báo, báo thủ, báo quá,…
“Báo” trong từ điển GenZ là từ được sử dụng khi nói đến những người gây ra rắc rối, phá hoại hoặc gây chuyện làm ảnh hưởng đến người khác. “ Báo cha”, “báo mẹ” thường được dùng để chỉ những đứa con không giúp gì cho đấng sinh thành ngược lại chỉ gây ra tai họa, rắc rối khiến bố mẹ đau đầu, ra mặt giải quyết.
Gét gô
Đã có thời gian “gét gô” trở nên rầm rộ và phổ biến trên các trang mạng xã hội, thậm chí được sử dụng trong đời sống. “Gét gô” là cách phát âm chệch đi của từ “let’s go” (đi nào, đi thôi, đi mau, làm thôi nào) trong tiếng Anh.
Trên các trang mạng xã hội đặc biệt là FaceBook, TikTok thì “gét gô” phổ biến với trend các thử thách bất khả thi. Ví dụ như: Thử thách 3 ngày 3 đêm không dùng điện thoại, bạn nhậu gọi không nghe. Gét gô.
Chằm Zn
Trong từ điển GenZ thì “chằm Zn” đã làm mưa làm gió trong thời gian dài thể hiện ý tương tự như từ “trầm cảm”. Từ “chằm” là nói lái của từ “trầm” trong khi “Zn” là cách viết của nguyên tố hóa học kẽm mà “trầm kẽm” nghe gần giống với “trầm cảm”.
“Chằm Zn” thường được GenZ sử dụng để diễn tả cảm xúc bất lực, buồn bã, bực dọc với tình huống, câu chuyện nào đó.
Khum
“Khum” trong từ điển GenZ mang ý nghĩa là không và nó là một trong số những từ teencode thế hệ mới khá dễ đoán. Không chỉ GenZ mà “khum” còn được dùng phổ biến ở nhiều thế hệ khác để biến cuộc trò chuyện trở nên đáng yêu, gần gũi hơn.
Lemỏn
Chúng ta đã quen thuộc với từ “lemon” trong tiếng Anh, vậy “lemỏn” là gì? Theo những lý giải từ GenZ thì “lemon” là chanh, “lemỏn” sẽ là chanh được thêm vào dấu hỏi và mang ý nghĩa là “chảnh”.
Thay vì nói: “Cô ta chảnh chọe lắm” thì GenZ sẽ nói là “Cô ta lemỏn lắm”. Nếu như bạn không nắm được từ điển GenZ thì có thể sẽ mất nhiều thời gian để hiểu được lemỏn nghĩa là gì phải không nào?
Fishu
Để thể hiện cá tính, sự sáng tạo thì GenZ còn kết hợp, biến tấu những từ tiếng Anh cùng tiếng Việt. “Fishu” là một từ được kết hợp bởi từ “Fish” trong tiếng Anh và chữ “u”.
Có thể hiểu: “Fish” là cá, “Fishu” là “Fish” + “u”, “Cá + u = Cáu”
BigC
“BigC” không phải nhắc đến siêu thị BigC như chúng ta vẫn nghĩ đâu nhé, đây cũng là sự kết hợp từ sáng tạo của GenZ tương tự như “Fishu”. Theo đó:
“BigC” là “Big” + “C”, “Bự” + C = Bực”
J z tr
“J z tr” là viết tắt của cụm từ “gì vậy trời” nó thể hiện sự khó hiểu, bất lực trước một sự vật, sự việc hoặc hiện tượng nào đó. Từ điển GenZ này khá dễ hiểu nội dung đúng không nào?
Trmúa Hmề
Bạn nghĩ đây là một cụm từ sai, vô nghĩa? Không đâu, “trmúa hmề” là một teencode thế hệ mới của GenZ. Quy tắc để hiểu được từ “trmúa hmề” đó chính là GenZ đã thêm vào chữ “m” phía sau phụ âm “tr”, “h”. Như vậy, “trmúa hmề” chính là “chúa hề” và được dùng để chỉ những người hài hước, chuyên tạo tiếng cười hoặc mua vui cho người khác. Từ này cũng được dùng để nói đến những tình huống gây cười trong cuộc sống.
Pềct, rếpct trong từ điển GenZ
Theo giải thích thì thực chất “pềct, rếpct” được tạo nên do lỗi gõ Telex và chúng mang ý nghĩa là “pềct” = “pefect” – hoàn hảo và “rếpct” = “respect” – bái phục. Hai từ này thường được GenZ sử dụng khi khen ngợi, bày tỏ cảm xúc đối với một ai đó.
Gòy soq, chếc gồi
2 từ này khá dễ đoán và chúng tương tự với ý nghĩa của từ “rồi xong” và “chết rồi” trong phổ thông. Giới trẻ hiện nay sử dụng “gòy soq”, “chếc gồi” giống như mật ngữ riêng, tạo sự hài hước, độc đáo trong cuộc trò chuyện.
Ét ô ét/ết o ét
Đây là cách phát âm của từ “SOS” quen thuộc với ý nghĩa là khẩn cấp, cần cấp cứu khẩn trương, ngay lập tức. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay dùng “ét o ét” theo hơi hướng hài hước chứ không mang tính chất nghiêm túc.
Ví dụ: Ét o ét, mang tôi ra khỏi đây nếu không tôi sẽ cười đến nội thương mất, anh chàng kia men lỳ quá, ét ô ét…
Ủa
Trong từ điển GenZ thì “ủa” không phải từ nói lái mà chỉ là một từ bình thường được dùng với ý nghĩa cảm thán. “Ủa” diễn tả cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ hoặc chỉ là cách bắt đầu cuộc hội thoại của GenZ.
Ví dụ: Trong ngày nghỉ vẫn bị nhắc làm việc, GenZ sẽ nói là “Ủa sếp…”.
Xu cà na
Khi GenZ sử dụng từ “xu cà na” là họ đang muốn nói đến chuyện gì đó đen đủi, xui xẻo không mong muốn. Ví dụ như: “Sáng nay ngủ dậy muộn, vừa dắt xe ra cổng thì bị xịt lốp, đúng là xu cà na”…
No star where
Để hiểu được “no star where” mà GenZ sử dụng, bạn chỉ cần hiểu đơn lẻ ý nghĩa của từng từ. Theo đó “no” là “không”, “star” là “ngôi sao”, “where” là “ở đâu” và cả cụm “no star where” có nghĩa là “không sao đâu”.
Ố dề
“Ố dề” nghe qua sẽ khiến nhiều người nhầm tưởng nó với từ “Oh yeah” trong tiếng Anh (diễn tả sự hào hứng, phấn khích). Tuy nhiên, “ố dề” của từ điển GenZ lại thể hiện ý nghĩa hoàn toàn khác. “Ố dề” ám chỉ những hành động, vấn đề bị làm quá lên, trở nên lố lăng, không giống ai.
Ví dụ: Cách ăn mặc của nó hôm nay thật ố dề.
Ghost
“Ghost” là từ tiếng Anh với ý nghĩa là hồn ma nhưng trong ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay thì nó còn thể hiện ý nghĩa khác. “Ghost” với GenZ là “bơ” là sự cắt đứt liên lạc mà không báo trước, người nào “ghost” đối phương thì họ sẽ như bóng ma, biến mất khỏi cuộc sống của người còn lại.
Trap
Trong tiếng Anh thì “trap” có nghĩa là bẫy, giăng bẫy một ai đó. Với ngôn ngữ giới trẻ thì trap trong trap boy, trap girl là những người xấu, chuyên cợt nhả với chuyện tình cảm bằng cách thể hiện tình cảm, lời nói ngọt ngào dù không có chút tình cảm nào với đối phương.
Cơm tró (cẩu lương), bóng đèn
Cơm tró (cơm chó) được dùng để nói đến những cử chỉ thân mật, âu yếm của cặp đôi nào đó trước mặt mọi người. Đặc biệt, khi hành động thân mật này thể hiện trước những người còn độc thân thì được gọi là “phát cơm chó” (phát cẩu lương).
Còn những người độc thân “ăn cơm tró” tương đương những “bóng đèn” – ám chỉ những người độc thân phải nhìn thấy cảnh thân mật, tình cảm ngọt ngào của các cặp đôi. “Bóng đèn” tương tự như “kỳ đà cản mũi” mà chúng ta vẫn hay dùng.
Lời kết
Vừa rồi là một số tổng hợp những từ ngữ giới trẻ trong từ điển GenZ mà chúng tôi tổng hợp được. Tất nhiên sẽ còn nhiều từ ngữ được sáng tạo theo các riêng của các bạn trẻ GenZ mà chúng tôi bỏ sót. nếu như bạn biết, đừng ngại chia sẻ dưới comment để bài viết này hoàn thiện hơn nhé!