Hè đến ngoài những cuộc du hí và hoạt động thể thao, các vấn đề về da cũng được hội chị em hết sức chú ý. Bởi với cường độ ánh nắng mạnh, nếu không được bảo vệ kỹ càng, tình trạng da bị cháy nắng rất dễ xảy ra. Hơn hết nó không chỉ khiến da bị sạm đen mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Vậy nên làm gì khi da bị cháy nắng? Cần chú ý gì khi da mặt bị cháy nắng?
Contents
Tìm hiểu về tình trạng cháy nắng và các mức độ
Da bị cháy nắng là tình trạng chung mà nhiều người đều đang gặp phải trong mỗi mùa hè. Không những bỏng rát, ửng đỏ, da bị cháy nắng còn kéo theo rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Đầu tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về làn da bị cháy nắng và các cấp độ cháy nắng nhé!
Da cháy nắng là gì?
Cháy nắng bản chất là phản ứng của làn da khi phải tiếp xúc quá lâu dưới bức xạ tia cực tím hay tia UV. Trong tế bào da có melanin là một loại tế bào sắc tố, mang lại màu sắc cho làn da, bảo vệ da trước ánh sáng mặt trời. Thông thường lượng melanin của da phần lớn được xác định dựa trên yếu tố di truyền. Đó là lý do dù trong cùng một điều kiện và thời gian phơi nắng nhưng có người bị cháy nắng, người không bị. Đây thực chất đều là dấu hiệu cho thấy rằng làn da của bạn đang bị tổn thương.
Da bị cháy nắng có biểu hiện rất rõ ràng. Ban đầu nó trở nên đỏ và sưng, gây đau rát. Nặng hơn khu vực da bị cháy sẽ phồng rộp. Sau đó phần da bị cháy sẽ bong tróc hết. Đây được hiểu là cách cơ thể loại bỏ tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên bạn không nên “cố” bóc phần da bị thương mà hãy để nó bong tự nhiên.
Các mức độ cháy nắng trên da
Tình trạng cháy nắng trên da cũng được chia làm nhiều cấp độ, tùy vào thời gian phơi nắng cũng như các biểu hiện để lại trên làn da. Cụ thể thường có 3 cấp độ cháy nắng là:
- Mức độ nhẹ: Các vị trí cháy nắng trở nên ửng đỏ và rát nhẹ. Tình trạng này xảy ra khi da phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên tục trong 3 đến 5 ngày. Với mức độ này, tình trạng bong da có thể diễn ra trong vài ngày.
- Mức độ vừa phải: Ở mức độ nặng hơn, da bị đau rát nhiều hơn. Thậm chí là sưng đỏ, cảm nhận rõ cảm giác nóng khi chạm vào. Do bị tổn thương nặng hơn nên cách khắc phục cũng tồn công và mất nhiều thời gian hơn.
- Mức độ nghiêm trọng: Đây là mức báo động với những vết phồng rộp gây đau đớn, da rất đỏ và nóng. Đối mặt với tình trạng cháy nắng nghiêm trọng, việc tự phục hồi da tại nhà rất tốn thời gian. Nếu vấn đề quá tệ bạn có thể phải nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ da liễu cho làn da của mình.
Da bị cháy nắng và những tác hại “khó đỡ”
Cháy nắng không đơn giản chỉ là làm đen da mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nhiều vấn đề khác. Điển hình như thay đổi gen ức chế, đẩy nhanh quá trình hình thành u, phát triển tế bào ung thư. Để có thêm thông tin về cháy nắng da, dưới đây là một số tác hại khôn lường mà bạn nên chú ý.
Lão hóa sớm
Lão hóa sớm có nhiều nguyên nhân như: Dinh dưỡng không đủ, chăm sóc da không đúng cách và không được bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời. Cháy nắng chính là một trong những tác nhân khiến làn da của bạn nhanh bị lão hóa hơn.
Dấu hiệu lão hóa sớm rất khó để nhận biết, vì nó chỉ diễn ra từ từ. Tuy nhiên khi đã rõ ràng thì rất khó để xử lý, xóa mờ. Một vài dấu hiệu đặc trưng phải kể tới: Hình thành các đường nhăn, vết nhăn, sắc tố thay đổi khiến da không đều màu, da bị chảy xệ,…
Ung thư da
Việc phải tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời cũng là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ ung thư da. Bức xạ UV chính là tác nhân chính dẫn đến tình trạng này. Việc phải phơi nắng thường xuyên sẽ làm hỏng DNA của tế bào. Từ đó gây tổn thương vĩnh viễn với DNA tế bào khiến việc kiểm soát phân chia không hiệu quả, gây ung thư. Thực tế những người có ít sắc tố da dễ bị ung thư hơn là những người có nhiều sắc tố.
Đỏ da
Đỏ da là vấn đề chung mà hầu hết mọi người đều gặp phải khi bị cháy nắng dù ở mức độ nhẹ hay nặng. Việc tiếp xúc với tia cực tím quá lâu sẽ làm các mao mạch dưới da bị giãn hoặc vỡ gây đỏ rát. Nếu nặng còn có thể là nguyên nhân gây bệnh Rosacea hay còn được gọi là chứng đỏ mặt.
Da không đều màu
Phần lớn mọi người ra nắng nếu không có biện pháp bảo vệ đều sẽ bị đen da. Tình trạng này kéo dài thường xuyên còn có thể để lại các vết nám và tàn nhang hay các đốm nâu. Bởi trong ánh nắng mặt trời có UVA – Nguyên nhân tạo hắc tố Melanin khiến da bị tối, không đều màu.
Da khô sạm
Da khô sạm cũng là một vấn đề phổ biến mà hầu hết mọi người đều gặp phải khi bị cháy nắng. Điều này được lý giải do phải chịu tác động quá lâu dưới ánh nắng mặt trời khiến da bị thiếu nước thậm chí là bong tróc, chảy máu.
Mất bao lâu để phục hồi da bị cháy nắng?
Ngoài những tác hại “kinh hoàng” cho làn da, da bị cháy nắng bao lâu thì hết cũng là vấn đề được nhiều người chú ý. Dĩ nhiên tùy vào các biện pháp phục hồi da bị cháy nắng cũng như tình trạng thực tế, thời gian sẽ có chút khác biệt.
Đối với làn da bị đỏ do bắt nắng
Da bị đỏ do cháy nắng thường xuất hiện sau khoảng 2 đến 6 tiếng sau khi tiếp xúc với nắng. Màu đỏ trên da có thể tồn tại trong 24 tiếng tiếp theo và giảm dần trong 1 đến 2 ngày sau đó. Với các vết đỏ nặng đi kèm rát, bỏng thì thời gian phục hồi sẽ mất lâu hơn nữa.
Da bị cháy nắng đau rát
Ngoài ửng đỏ, da bị cháy nắng thường đi kèm đau rát nhất là sau 6 tiếng phơi nắng. Đau rát có thể tiếp tục trong 1 đến 3 ngày và giảm dần. Nếu tình trạng cháy nắng nặng, bạn có thể dùng một số loại thuốc giảm đau như Aspirin hay Ibuprofen. Ngoài ra có thể dùng thêm các loại kem bôi làm mát hoặc tắm nước mát để làm dịu.
Da bị sưng do cháy nắng
Những vết sưng xuất hiện do bị cháy nắng thường kéo dài ít nhất là 2 ngày. Nếu tình trạng bỏng nặng, thời gian bị sưng sẽ lâu hơn. Để giảm sưng đau bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn được giới thiệu phía trên. Ngoài ra có thể dùng thêm kem, thuốc bôi bên ngoài để giảm viêm, sưng.
Da bị bỏng rộp
Các vết bỏng rộp do cháy nắng thường bắt đầu từ sau 6 đến 24 tiếng sau khi da tiếp xúc với ánh mặt trời. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bỏng rộp nổi lên sau vài ngày.
Trong trường hợp da bị bỏng rộp nước, bạn cần lưu ý tránh để nó bị vỡ. Bởi những vết rộp này là phản ứng tự nhiên do cơ thể tạo ra để bảo vệ da và chữa lành. Việc vết rộp bị vỡ sẽ làm chậm quá trình chữa lành vết thương đồng thời sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp mụn nước tự vỡ, hãy làm sạch và che kín miệng vết thương để hạn chế bụi bẩn nhé!
Da bị bong tróc do cháy nắng
Bong da do bị cháy nắng là dấu hiệu bình thường, bạn không cần phải lo lắng. Thời gian bog da mất khoảng vài ngày cho đến khi vùng da bị tổn thương được chữa lành hoàn toàn. Với những tình trạng bị tổn thương nhẹm thời gian bong da diễn ra từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên nếu nặng hơn bong da có thể kéo dài tới vài tuần sau đó. Trong thời gian này bạn nên uống thật nhiều nước để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Da bị cháy nắng sạm đen phải làm sao?
Da bị cháy nắng có trắng lại được không? Hay da mặt bị ăn nắng phải làm sao? Đối mặt với vấn đề da bị cháy nắng, hội chị em đều vô cùng “tiếc thương” làn da của mình. Thực tế nếu được xử lý và chăm sóc đúng cách, làn da bị cháy nắng hoàn toàn có thể khôi phục dáng vẻ vốn có ban đầu. Liệu bạn đã biết cách chữa da bị cháy nắng tại nhà chưa? Tham khảo một số bí kíp được chia sẻ dưới đây nhé!
Sử dụng nước mát làm dịu da
Cháy nắng hiểu đơn giản là phản ứng viêm của da. Muốn làm dịu cháy nắng nhanh nhất bạn cần hạ nhiệt độ cho phần da bị tổn thương. Do vậy ngay khi thấy dấu hiệu da bỏng rát, cháy nắng, hãy làm mát ngay bằng nước. Lưu ý không nên sử dụng nước đá lạnh vì lúc này da rất yếu, dễ tổn thương. Thay vào đó bạn chỉ nên dùng nước mát bình thường để làm dịu da.
Đặc biệt nên dùng nước sạch, không dùng nước biển hoặc nước ở hồ bơi. Bởi thành phần clo trong nước có thể gây kích ứng da. Hơn nữa muối biển cũng sẽ khiến làn da của bạn bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi ánh nắng.
Sử dụng gel nha đam để làm dịu
Gel nha đam là sản phẩm tốt nhất để làm dịu những phần da bị cháy nắng. Đây cũng là “chân ái” được nhiều chị em sử dụng trong chu trình chăm sóc da với khả năng làm mát, làm dịu, giảm kích ứng và cấp ẩm cho da.
Trên các vùng da bị cháy nắng, bạn hãy bôi trực tiếp phần gel nha đam lên để làm dịu ngay và cấp ẩm. Dù được biết đến với nhiều công dụng tuyệt vời song gel nha đam không phù hợp với tất cả mọi người. Nếu bạn có một làn da nhạy cảm hoặc dễ bị kích ứng do một số chất trong gel nha đam thì hãy cẩn thận khi sử dụng.
Dùng hỗn hợp bột yến mạch và Baking Soda
Sử dụng bột yến mạch và Baking Soda cũng là một phương pháp khá hay để giảm nhẹ tổn thương do cháy nắng. Bên cạnh đó đây cũng là công thức dưỡng da, thư giãn vô cùng hiệu quả cho làn da của bạn.
Hãy sử dụng một vài muỗng bột Baking Soda trộn cùng yến mạch và cho vào bồn tắm. Ngâm mình bằng hỗn hợp nước vừa pha trong khoảng 20 phút. Sau khi ngâm mình bạn sẽ thấy rõ làn da trở nên ẩm mượt hơn, tình trạng nóng rát, phồng rộp cũng được cải thiện rõ rệt.
Làm dịu da với sữa chua không đường
Sữa chua được biết đến với nhiều công dụng cho cả cơ thể, hệ tiêu hóa và làn da. Trong thành phần sữa chua có chứa lượng lớn lợi khuẩn cùng với đó là khả năng làm dịu, giảm cảm giác rát, ngứa do cháy nắng.
Nếu phát hiện da bị cháy nắng, bạn có thể dùng sữa chua không đường để cấp cứu ngay cho làn da của mình. Đầu tiên hãy làm sạch da, đắp sữa chua lên da trong khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó hãy dùng khăn hoặc giấy lau khô. Lưu ý lúc này làn da đã bị thương nên cần thao tác nhẹ nhàng để không làm tổn thương da.
Dưỡng ẩm cho da
Da bị cháy nắng thường đặc biệt khô. Do đó dưỡng ẩm cho da rất quan trọng. Bằng cách này sẽ giúp làn da của bạn được làm mềm, làm mịn tốt hơn, rút ngắn thời gian hồi phục.
Lúc này làn da nên được chăm sóc và dưỡng ẩm tốt. Bạn nên chọn những loại kem dưỡng ẩm có thành phần lành tính, loại chuyên dụng cho da bị tổn thương hoặc da nhạy cảm. Tốt nhất không nên dùng loại có tạo hương hoặc tạo màu. Bởi lúc này da rất yếu, dễ kích ứng nên chúng ta cần sử dụng loại kem dưỡng ẩm tốt, dịu nhẹ và an toàn.
Xem thêm:
- Mụn ẩn dưới da và cách trị mụn ẩn cực hiệu quả, không để lại sẹo
- Bí kíp chăm sóc da mặt mùa đông để làn da luôn đủ ẩm, mịn mướt
- 11 cách dưỡng ẩm để tránh tình trạng da khô vào mùa đông
Rút ngắn các bước chăm sóc da
Trong thời gian phục hồi da bị cháy nắng, bạn cần thay đổi đôi chút chu trình skin care của mình. Cụ thể ưu tiên dưỡng và phục hồi da, dừng các sản phẩm tẩy da chết, retinol hay các sản phẩm có tác động mạnh với da. Lưu ý nên đặc biệt chú ý về các sản phẩm dùng cho da trong thời gian này.
Trong trường hợp cháy nắng nghiêm trọng với các dấu hiệu: Vết cháy nắng nhiễm trùng, mệt mỏi, mất ý thức,… Bạn cần được đưa ngay tới các cơ sở y tế gần nhất để xử lý, chăm sóc đúng cách.
Trẻ em bị cháy nắng phải làm sao?
Thường ở trẻ nhỏ, tốc độ lành da sẽ nhanh hơn so với người lớn. Song đổi lại khả năng tự bảo vệ bản thân trước những thương tổn cũng lớn hơn, bao gồm cả những ảnh hưởng do ánh nắng mặt trời. Vậy trẻ nhỏ bị cháy nắng phải làm sao?
Đầu tiên tất cả trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đều không nên tiếp xúc với mặt trời quá lâu. Những em nhỏ trên 6 tháng cũng tương tự và cần được bảo vệ bởi kính, đồ che chắn khi ra ngoài. Phần lớn trẻ em bị cháy nắng đều thuộc giai đoạn từ 1 tuổi trở lên. Vậy nên làm gì nếu trẻ nhỏ bị cháy nắng?
- Khi phát hiện em bé bị cháy nắng, gia đình nên tắm cho bé bằng nước mát để làm dịu da ngay.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm của bé hoặc dùng kem dưỡng có chứa calamine cho vùng da bị nắng. Lưu ý không nên dùng kem dưỡng có histamin, các loại kem benzocaine, hydrocortisone nếu không được sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Nhiều người sử dụng phương pháp chữa cháy nắng dân gian bằng rượu hoặc cồn. Tuy nhiên rượu và cồn đều rất lạnh, có thể gây tổn thương nặng hơn cho bé.
- Cũng như người lớn, trẻ nhỏ bị cháy nắng cũng sẽ mất nước. Do vậy gia đình nên cho bé uống thêm nhiều nước bao gồm cả nước trái cây để bổ sung cho cơ thể.
- Nên tránh nắng tối đa cho đến khi vùng da cháy nắng lành lại.
Một vài cách phòng và xử lý cháy nắng mùa hè
Không thể phủ nhận, cháy nắng không chỉ gây bỏng rát khó chịu mà còn đem đến nhiều ảnh hưởng không tốt cho làn da của bạn. Chính vì vậy bên cạnh việc dưỡng và làm trắng da, các biện pháp chống nắng và xử lý cháy nắng mùa hè cũng được hội chị em bạn dì vô cùng qua tâm. Nếu bạn cũng đang dành sự chú ý đặc biệt cho những vấn đề này thì hãy tham khảo một số chia sẻ dưới đây nhé!
Cách phòng cháy nắng mùa hè
Muốn không bị cháy nắng trong các cuộc du hí, đi chơi ngày hè bạn cần làm tốt công tác chống nắng để bảo vệ da. Vậy nên bảo vệ da ngày hè như thế nào?
- Sử dụng kem chống nắng phù hợp với SPF 50 PA +++ để bảo vệ làn da trước nắng nóng.
- Thoa kem chống nắng trước 30 phút khi ra ngoài và có trang bị đồ che chắn. Sau khoảng 3 đến 4 tiếng nên bôi lại kem chống nắng để bảo vệ da hiệu quả.
- Hạn chế tắm nắng, đặc biệt là sau khi dùng các loại kem hoặc thuốc uống làm tăng độ nhạy cảm của làn da.
- Không nên tiếp xúc ánh mặt trời từ 10h sáng đến 16h chiều. Đây la thời điểm tia UV cao nhất, dễ gây hại cho làn da của bạn.
- Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc với tia UV, ánh nắng nên trang bị đồ bảo hộ sẵn sàng gồm: Quần áo chống nắng, kính chống nắng, mũ rộng vành,…
- Có thể bổ sung các loại viên uống chống nắng từ bên trong để tăng cường hiệu quả.
Nguyên tắc xử lý khi bị cháy nắng
Tìm hiểu về các nguyên tắc xử lý khi da bị cháy nắng, có rất nhiều vấn đề được mọi người quan tâm. Ví dụ như: Da mặt bị cháy nắng làm sao để trắng lại? Hay da mặt bị cháy nắng đỏ rát phải làm sao? Thực tế sẽ mất rất nhiều thời gian để dưỡng da được như lúc ban đầu. Trước tiên bạn cần biết xử lý vùng da bị cháy nắng đúng cách để nâng cao hiệu quả phục hồi, dưỡng da.
Khi chăm sóc vùng da bị cháy nắng, hãy tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Đầu tiên không sử dụng dầu sáp, xăng, cồn hay rượu để làm mát da. Với nhiệt độ thấp, nó có thể khiến da bị tổn thương, nhiễm trùng nặng hơn.
- Chỉ làm mát da bằng nước sạch, không dùng đá hoặc nước đá.
- Tuyệt đối không nặn vỡ các vết phồng rộp trên da.
- Không cố gắng bóc da, nên để da bong tự nhiên.
- Hạn chế mặc quần áo bó sát vào khu vực da bị cháy nắng.
- Nếu bị cháy nắng ở vùng da mặt, nên hạn chế các loại mỹ phẩm có tác dụng mạnh. Nên tập chung làm sạch và dưỡng ẩm, tái tạo da.
Cháy nắng có cần gặp bác sĩ không?
Phần lớn mọi người đều cho rằng cháy nắng là hiện trạng bình thường khi phải tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời hay cháy nắng chỉ làm đen da và không nguy hiểm. Do vậy rất ít người có ý định tìm đến bác sĩ. Tuy nhiên nếu có một vài dấu hiệu sau tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ để được chăm sóc, phục hồi tốt nhất.
- Có nhiều vùng da trên cơ thể (Chân, tay, mặt, lưng) bị sưng tấy, bỏng rát.
- Xuất hiện các dấu hiệu mất nước như chóng mặt, mệt mỏi, khát nước, khô miệng, giảm đi tiểu.
- Khu vực bị cháy nắng luôn bỏng rát, đau.
- Có triệu chứng nhiễm trùng như ớn lạnh, sốt từ 38.5 độ, nổi mụn nước hoặc có mủ.
- Tất cả các trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị cháy nắng đều nên đến gặp bác sĩ.
Da bị cháy nắng bị tổn thương theo nhiều cách. Có thể ban đầu chỉ đơn giản là ửng đỏ, đau rát nhẹ tuy nhiên nặng nề hơn có thể tạo thành các bọng nước, bong da hoặc tăng nguy cơ gây ung thư,… Hơn hết việc phục hồi da bị cháy nắng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Do vậy ngay từ ban đầu, bạn nên có biện pháp chăm sóc và bảo vệ da khi phải di chuyển dưới ánh nắng mặt trời để làn da luôn tươi trẻ, khỏe mạnh và trắng sáng. Mong rằng những chia sẻ được tổng hợp trong bài viết này có thể đưa đến cho bạn thông tin tham khảo hữu ích!